Bài toán phát triển kinh tế tư nhân tại TP HCM
VOV.VN - TP HCM hiện có khoảng hơn 200.000 doanh nghiệp, trong đó trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
TP HCM là địa phương năng động trong phát triển kinh tế. Trong suốt hơn 30 năm đổi mới, doanh nghiệp tư nhân mặc dù là một lực lượng được xem là đóng góp quan trọng cho kinh tế của thành phố và cả nước, tuy nhiên, cho đến nay đô thị năng động này vẫn chưa có một tập đoàn tư nhân đủ mạnh ngang tầm với những tập đoàn kinh tế tư nhân của khu vực và thế giới. Vậy làm gì để kinh tế tư nhân phát triển và đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hiện nay?
TP HCM hiện có khoảng hơn 200.000 doanh nghiệp, trong đó trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì điều khác biệt của kinh tế tư nhân của TP HCM cũng như của Việt Nam so với các quốc gia trên thế giới là hầu hết doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, có khi còn siêu nhỏ.
Các công nhân làm việc tại một khu công nghiệp tại TP HCM. (Ảnh: TTXVN).
Lâu nay kinh tế tư nhân vẫn còn khoảng cách so với các thành phần kinh tế khác. Nhận thức về kinh tế tư nhân chưa thật đồng đều, méo mó, coi tư nhân như là lợi ích riêng. Một bộ phận không nhỏ trong các cơ quan công quyền gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp tư nhân, tạo ra lực cản lớn cho thành phần kinh tế này.
Công bằng mà nói, TP HCM cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển để thoát ra khỏi hình ảnh doanh nghiệp quá nhỏ, nhằm có những doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn, nhưng kinh tế tư nhân vẫn luôn trong tình trạng lép vế so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp – Khu chế xuất – Khu công nghệ cao TP HCM cho biết: “Phải nói rằng doanh nhân, doanh nghiệp còn vướng mắc còn bị những vấn đề rất bất cập bởi những nghị định thông tư chưa phù hợp với thực tiễn. Vấn đề hiện nay của doanh nghiệp rất cần về vốn liếng, lao động, thị trường, hội nhập quốc tế, đổi mới công nghệ, thông tin kinh tế. Nhưng điều doanh nghiệp cần nhất đó là cần một hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách thông thoáng để doanh nghiệp ổn định và phát triển”.
Nhà nước phải tạo cơ chế, chính sách để kinh tế tư nhân phát triển
Kinh tế tư nhân cần “không gian” để lớn mạnh
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, một trong những người từng làm doanh nghiệp nhà nước, ra ngoài thành lập doanh nghiệp tư nhân cho rằng: Muốn kinh tế tư nhân phát triển như các quốc gia trên thế giới và có những tập đoàn lớn như: SamSung, Sony,... thì nhà nước phải có đầu tư đúng cho khu vực này. Đặc biệt là phải xóa bỏ bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.
Ông Trần Việt Anh bày tỏ: "Chúng ta tập trung đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân đầu tàu và có một triển vọng lớn để họ phát triển lên. Do đó vấn đề về chính sách dành cho kinh tế tư nhân bây giờ phải đặt bằng chính sách dành cho FDI và đôi khi phải nhiều hơn cho FDI. Đặc biệt, Nhà nước phải nghiêm khắc về vấn đề là hạn chế đầu tư những chương trình của doanh nghiệp nước ngoài vào những thị trường và sản phẩm mà doanh nghiệp tư nhân trong nước làm được”.
Một vấn đề nữa là kinh tế tư nhân rất yếu trong quản trị, không có kế hoạch và tầm nhìn chiến lược, thiếu quảng bá, do đó cần phải hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng lực lượng này. Đào tạo từ người chủ doanh nghiệp đến lao động... Xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế của đất nước thì phải tạo điều kiện thông thoáng, ổn định lâu dài về cơ chế chính sách chứ không thể thay đổi liên tục, thiếu tính đồng bộ như trước đây.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Cơ chế chính sách ở đây là gì là phải thông thoáng, ổn định. Thông thoáng mà không ổn định là không được. Ổn định lâu dài, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Đây là điều quan trọng. Hiện nay, Nghị quyết 35 của chính phủ là một nghị quyết rất tốt. Tôi thấy chưa có nghị quyết nào đẹp như nghị quyết này. Nó tích tụ nhiều năm mà cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị bây giờ đã đưa vào nghị quyết. Vấn đề còn lại là làm sao đưa vào cuộc sống”.
Nếu không thay đổi nhận thức và nhanh chóng tìm giải pháp đưa Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống thì mục tiêu năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp, riêng TP HCM có 500.000 doanh nghiệp sẽ chỉ là những con số tham khảo nằm trên giấy./.