Bán lẻ trực tuyến Việt Nam tăng trưởng nhanh, cạnh tranh gay gắt
VOV.VN -Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017 vừa được Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức
Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ trực tuyến có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đòi hỏi không chỉ doanh nghiệp mà các cơ chế, chính sách quản lý cũng cần thay đổi để bắt kịp xu hướng. Nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017, do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hôm nay tại Hà Nội.
Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017 |
Việt Nam là một thị trường bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng thuộc loại nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu eMarketer, doanh số bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam có thể đạt mức hơn 3,2 tỷ đô la năm 2016. Còn theo nhận định của Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC), Việt Nam đang được đánh giá là thị trường bán lẻ trực tuyến có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Các chuyên gia cũng cho rằng, sự phổ cập của Internet, 3G, 4G và các thiết bị di động sẽ tạo thêm sức mạnh cho bán lẻ trực tuyến trong thời gian tới. Theo TS. Nguyễn Trần Hưng, Đại học Thương Mại, thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam đang có sự ganh đua mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước với nhiều chiến lược kinh doanh mới. Google đã trở thành thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và đặt mục tiêu thu được 30 triệu USD mỗi năm từ thị trường này. Alibaba và eBay cũng đã tìm được đại diện chính thức. Trong khi đó, Amazon và Rakuten đang tiến tới việc thiết lập quan hệ đối tác hoặc mua cổ phần tại các hãng thương mại điện tử Việt Nam.
Một số doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc cũng đang tìm đường đầu tư, có thể thông qua liên kết với một doanh nghiệp thương mại điện tử khác trong nước hoặc tự thực hiện để chiếm lĩnh thị phần tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Khi thương mại điện tử phát triển, khuynh hướng tiêu dùng của người Việt cũng có những thay đổi. Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội để tiến hành giao dịch, mua sắm trực tuyến và quan tâm, tiêu thụ mạnh mẽ những sản phẩm thân thiện với môi trường và có đòi hỏi cao hơn về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, để đón đầu và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong bán lẻ trực tuyến, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về hàng hóa khi kinh doanh trực tuyến. Bán hàng theo đúng cam kết với khách hàng trực tuyến. Có các phương pháp đổi trả hàng nhanh chóng, thuận lợi cho khách hàng. Đẩy mạnh sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để xây dựng thương hiệu sáng tạo…
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả cơ chế, chính sách quản lý của nhà nước cũng cần thay đổi để vừa tạo điều kiện thuận lợi, vừa ngăn chặn các tiêu cực phát sinh.
Theo Tiến sỹ Nam, Người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm trực tuyến tạo bước ngoặt lớn về phát triển thị trường. Thậm chí, nhiều tập đoàn lớn về phân phối cũng chao đảo, chưa nói đến các doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp Việt nam muốn tồn tại và phát triển phải thay đổi cung cách bán hàng hiện đại. Quản lý nhà nước cũng phải thay đổi rất nhiều. Hiện Việt Nam vẫn thất thu thuế rất lớn trong thương mại điện tử. Cơ chế chính sách và cung cách quản lý cần phải thay đổi, không thể chỉ ngồi bàn giấy chờ người ta đến báo cáo. Nếu không quản lý, kiểm soát được sẽ thất thu rất lớn./.
Đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo