Bộ GTVT thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp như thế nào?
VOV.VN - Trong 5 năm qua, Bộ GTVT đã triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch được phê duyệt.
Tại Hội nghị tổng kết tình hình sắp xếp, đổi mới phát triển doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ GTVT diễn ra chiều 9/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong 5 năm qua, Bộ GTVT đã triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch được phê duyệt.
Trong số 137 doanh nghiệp được cổ phần hóa, có 16 Tổng công ty có quy mô lớn như Tổng công ty Hàng không; Tổng công ty Cảng hàng không; Tổng công ty Hàng hải… Đến hết năm 2015, Bộ GTVT sẽ hoàn thành IPO 124 doanh nghiệp, trong đó có 12 Tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổng số tiền 1.701 tỷ đồng.
Tính đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành việc thoái vốn tại 113 doanh nghiệp, trong đó có 7 công ty mẹ - Tổng công ty và 106 doanh nghiệp thành viên thuộc các Tổng công ty với tổng số tiền thu về trên 4.399 tỷ đồng. Bộ GTVT cũng đã hoàn tất thủ tục bàn giao phần vốn nhà nước tại 5 công ty cổ phần với tổng số vốn là 581 tỷ đồng cho SCIC.
Đối với các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao vốn nhà nước về SCIC, sau khi thực hiện thoái vốn, nếu doanh nghiệp nào chưa hoàn thành, Bộ GTVT sẽ bàn giao phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp về SCIC theo quy định. Dự kiến đến quý I/2016, Bộ GTVT hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại các Tổng công ty.
Cũng trong giai đoạn từ 2011 - 2015, Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp giải quyết chính sách lao động dôi dư cho trrrn 20.000 người với tổng số tiền khoảng 750 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết tình hình sắp xếp, đổi mới phát triển doanh nghiệp nhà nước của Bộ GTVT. |
“Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã từng bước trở thành những doanh nghiệp mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giao thông đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp Bộ GTVT đột phá thành công, hoàn thành vượt tiến độ những dự án giao thông trọng điểm, phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Đánh giá về công tác sắp xếp, đổi mới phát triển doanh nghiệp tại Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, Bộ GTVT là đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, trên tinh thần tự chủ về tổ chức, chuyên môn và tài chính ở mức độ cao. Sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đều có hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ rõ, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước luôn có nhiều những vướng mắc, bởi lẽ chính sách đề ra mang tính chát chung cho các loại hình, nhưng đặc thù áp dụng ở mỗi doanh nghiệp ở mỗi lĩnh vực khác nhau.
“Mặc dù thực tiễn phát sinh phong phú, nhưng Bộ GTVT đã rất chủ động, báo cáo ngay những vướng mắc và phối hợp với các bộ trình Thủ tướng và Chính phủ để tháo gỡ kịp thời. Từ đó đã có những cơ chế chính sách qua thực tiễn triển khai đã trở thành cơ chế chung như thoái vốn theo lô - Bộ GTVT thực hiện nhiều nhất. Điều quan trọng là quyết tâm chính trị của lãnh đạo bộ, người đứng đầu và quyết tâm của các đơn vị thực hiện việc sắp xếp cổ phần hóa. Nếu công tác cổ phần hóa không được triển khai, có vướng mắc nhưng không đề xuất tháo gỡ thì vướng mắc sẽ trở thành rào cản và không doanh nghiệp nào có thể thực hiện được cổ phần hóa”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu Bộ GTVT, trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát và thực hiện việc cổ phần hóa các doanh nghiệp, nhất là việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho các doanh nghiệp. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và áp dụng phương thức quản trị tiên tiến để nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bộ GTVT cần tập trung chỉ đạo hoàn thành tái cơ cấu một số đơn vị quan trọng đang gặp khó khăn như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, trình Thủ tướng cho triển khai cổ phần hóa đồng loạt các đơn vị sự nghiệp công lập.../.