Các ngân hàng đẩy mạnh mua bán sáp nhập
Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý 6 - 7 ngân hàng thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A).
Nhiều ngân hàng lên kế hoạch M&A
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN tiếp tục tiến hành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), sau khi đã triển khai đối với 9 đơn vị trong đợt 1. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ xử lý 6 - 7 ngân hàng thông qua hình thức M&A.
Rất nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch mua bán hoặc sáp nhập (Ảnh: KT) |
Theo Thống đốc NHNN, hiện nay, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD giảm khá mạnh, chỉ còn 3,6 - 3,9%, nhưng NHNN đánh giá, tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%. NHNN đang tập trung hoàn thiện quy định pháp lý về việc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) bán các khoản nợ xấu đã mua cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, vì họ đang rất quan tâm mua các khoản nợ xấu này. Trong năm 2014, VAMC đặt mục tiêu mua từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu.
Trong số 9 TCTD tái cơ cấu đợt 1, chỉ còn GP Bank đang trong quá trình hoàn tất tái cơ cấu, còn các ngân hàng khác, về cơ bản đã khắc phục được tình trạng khó khăn, hoạt động tín dụng được cải thiện. Theo một số nguồn tin, GP Bank sẽ bán 100% vốn cho Tập đoàn UOB (Singapore).
ĐHCĐ Mekong Bank, MaritimeBank đã thông qua chủ trương sáp nhập, theo đó, MeKong Bank sẽ về với Maritime Bank khi Maritime Bank có tỷ lệ sở hữu chi phối tại MeKong Bank. Nhiều khả năng, cổ đông chiến lược nước ngoài của MeKong Bank là FFH sẽ bán lại 20% cổ phần cho Maritime Bank.
Trước đó, ĐHCĐ Sacombank thông qua chủ trương ủy quyền cho HĐQT xây dựng đề án sáp nhập Southern Bank. ĐHCĐ Southern Bank ngày 16/4 cũng đã thông qua chủ trương sáp nhập vào Sacombank. Dự kiến, thương vụ sáp nhập sẽ được hoàn tất trong quý II này.
ĐHCĐ PG Bank ngày 18/4 cũng đã thông qua chủ trương sáp nhập vào một ngân hàng khác mà thông tin đưa ra trước đó là Vietinbank. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT PG Bank, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, Ngân hàng vẫn chưa chốt phương án sáp nhập vào Vietinbank. Thời gian qua, PG Bank đã tìm nhiều đối tác để tái cấu trúc, Vietinbank là đối tác có tiềm năng nhất nên HĐQT PG Bank đã đề xuất ĐHCĐ chấp thuận phương án tái cấu trúc PG Bank bằng cách sáp nhập vào một ngân hàng khác.
Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của PG Bank ở dưới mức 3%, giảm mạnh so với mức 9,81% trong tháng 9/2013. Trong năm 2013, PG Bank đã bán 752 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC; tuy nợ xấu giảm mạnh, song tín dụng của PG Bank chỉ đạt mức tăng 0,6%. Năm 2014, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN phê duyệt cho PG Bank là 6%; ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơn 250 tỷ đồng, tăng 383% so với năm 2013.
Liên quan đến HĐQT PG Bank, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2015, Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex phải giảm tỷ lệ sở hữu tại PG Bank từ 40% xuống 20%.
Tại ĐHCĐ thường niên ngày 23/4, Vietcombank xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập một ngân hàng khác. Trước đây, Vietcombank từng giang tay “cứu” một số ngân hàng nhỏ bên bờ vực phá sản như GiaDinh Bank bằng cách mua lại 30% vốn cổ phần của ngân hàng này. Đến cuối năm 2011, Vietcombank đã thoái thành công 30% vốn cổ phần tại GiaDinh Bank. Sau đó, Ngân hàng được đổi tên thành VietCapital Bank, thuộc Tập đoàn Bản Việt. Hiện VietCapital Bank, MB… cũng có kế hoạch M&A một TCTD khác.
Với các động thái nêu trên, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được dự báo sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới.
Số lượng ngân hàng sẽ giảm còn 15
Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã xử lý 9 NH yếu kém. Một số cái tên đã rút khỏi thị trường bằng biện pháp M&A như: Habubank (sáp nhập vào SHB), Western Bank (hợp nhất với PVFC), Tín Nghĩa, Đệ Nhất (hợp nhất cùng SCB thành Ngân hàng SCB). Có ngân hàng tự nguyện sáp nhập với đơn vị khác, dù không thuộc diện yếu kém, như DaiA Bank sáp nhập vào HDBank. Bên cạnh đó, TrustBank đã được bán lại cho nhóm cổ đông lớn, trong đó có Tập đoàn Thiên Thanh và được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15 ngân hàng. Lúc đó, nguồn vốn được tập trung hơn, khi ngân hàng càng nhiều vốn càng có cơ hội phát triển mạnh. Đây cũng là cơ sở để tiến tới tự do hóa thị trường tài chính và tự do hóa các dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2020. Vì thế, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính - tiền tệ, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh tái cơ cấu, sớm dứt điểm xử lý nợ xấu.
Mặt khác, những ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ còn ở mức khiêm tốn trên dưới 3.000 tỷ đồng hiện nay đang phải đối mặt với thực trạng M&A để tồn tại và phát triển. Thực tế cho thấy, trong 3 năm gần đây, kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu của nhiều ngân hàng không thành công. Theo một lãnh đạo ngành ngân hàng, tăng vốn là cần thiết, song trước tình hình hiện nay, việc tăng vốn của các ngân hàng phải được xem xét kỹ lưỡng và trước khi thông qua, NHNN cũng xem xét kỹ tính khả thi của phương án tăng vốn của ngân hàng. Các ngân hàng nên cân nhắc phương án M&A.
“Mục tiêu tái cấu trúc của NHNN là làm ‘sạch’ hoạt động ngân hàng. Không phải cứ ngân hàng lớn là quản lý rủi ro tốt. Do đó, NHNN mới có việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của từng đơn vị. Ngân hàng vốn lớn cũng không nằm ngoài vòng xoáy M&A nếu có những yếu kém”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói và cho rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên hệ thống ngân hàng cũng phải có tầm cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Đó chính là động lực thúc đẩy M&A giữa các ngân hàng lớn. NHNN đã đưa ra chủ trương khuyến khích các TCTD tiến hành M&A trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo quyền lợi của hai bên.
Chủ trương này của NHNN và tình hình thị trường tài chính - ngân hàng hiện tại đang mở ra cơ hội tăng tốc phát triển cho các ngân hàng có nền tảng, nội lực vững chắc thông qua việc hợp tác, sáp nhập ngân hàng khác. M&A giữa các ngân hàng phù hợp sẽ giúp cho các bên tận dụng được sự cộng hưởng lẫn nhau từ thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ, nguồn khách hàng, mạng lưới giao dịch, kênh phân phối. Ngoài ra, M&A cũng giúp ngân hàng tiết giảm chi phí đầu tư, vận hành, thời gian phát triển mạng lưới… để nhanh chóng vươn tới tầm vóc cao hơn.
Đánh giá về các thương vụ sáp nhập gần đây, cũng như kế hoạch Southern Bank sáp nhập vào Sacombank trong mùa hè này, các chuyên gia tài chính cho rằng, sáp nhập ngân hàng nhỏ có những yếu kém vào nhà băng lớn, hoạt động của ngân hàng mới sau sáp nhập sẽ gặp khó khăn nhất định, vì phải gánh nợ xấu từ ngân hàng nhỏ. Nhưng đó cũng là lẽ thường mà các thương vụ M&A trước đã thực hiện, bởi có yếu kém thì ngân hàng nhỏ mới tự nguyện sáp nhập vào ngân hàng mạnh. Ngược lại, đơn vị nhận sáp nhập sẽ tăng được quy mô tổng tài sản, vốn, mạng lưới, nhân lực…
Có thể trước mắt, kết quả tái cơ cấu, trong đó có các thương vụ M&A giữa một số ngân hàng chưa thực sự khả quan, nhưng về cơ bản, 2 năm qua, ngành ngân hàng đã đạt được thành công nhất định trong quá trình sắp xếp lại, giảm số lượng ngân hàng, tăng quy mô một số ngân hàng. Vì thế, việc hợp nhất, sáp nhập để giảm số lượng ngân hàng nhỏ, yếu kém, làm lành mạnh hệ thống ngân hàng, tăng số lượng TCTD lớn mạnh là cần thiết. Qua con đường M&A để giảm số lượng ngân hàng nhỏ, yếu kém, ngành ngân hàng cũng có thể nhanh chóng giải quyết khó khăn về thanh khoản, xử lý nợ xấu, đồng thời giảm được tình trạng sở hữu chéo vẫn đang khá nhức nhối trong ngành hiện nay.
Tuy nhiên, theo TS. Nghĩa, chưa thể đòi hỏi được sự ổn định và lớn mạnh chỉ sau giai đoạn ngắn các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, mà cần phải có thời gian để đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động trong thời gian tới thì sức khỏe các ngân hàng mới tốt lên.
Thực tế, các ngân hàng sau M&A như SCB, SHB, HDBank, PVcombank đã đạt được những kết quả ban đầu trong quá trình tái cơ cấu. Trong đó, đối với vấn đề xử lý nợ xấu, các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập đã nhanh chóng rà soát và bán nợ xấu cho VAMC. Đơn cử, SCB đã bán được 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho công ty này. SHB cũng dần giải quyết được khoản nợ xấu 1.800 tỷ đồng sau sáp nhập Habubank. HDBank cho biết, Ngân hàng đang rà soát các khoản nợ xấu sau sáp nhập DaiA Bank để bán cho VAMC.