Cho phép DNNN thoái vốn dưới mệnh giá
Trước mắt, có thể giảm bớt sở hữu nhà nước tại các công ty niêm yết về dưới 50% nhưng vẫn trên 35%.
Trả lời kiến nghị của Nhóm Công tác thị trường vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2013), bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Bộ Tài chính đang xây dựng cơ chế thoái vốn dưới mệnh giá của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và ban hành tiêu chí doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Bán vốn DNNN để chi tiêu ngân sách
Đại diện Nhóm Công tác thị trường vốn, ông Terry Mahony cho rằng, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay, việc bán một phần vốn của các DNNN sẽ dễ dàng bù đắp được khó khăn của ngân sách trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu những nguồn khác.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay của DNNN khi thoái vốn là không được thoái vốn lỗ. |
Trên thực tế, nhiều ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ tỷ lệ lớn không phải là các ngành nhạy cảm, ví dụ như tiêu dùng, phân bón… Hơn nữa, việc các DNNN nắm nhiều ưu đãi hơn về chính sách và vốn vay so với các DN tư nhân là không bình đẳng, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Trước thực trạng này, Nhóm công tác thị trường Vốn kiến nghị, Việt Nam cần tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước bằng việc bán cổ phần nhà nước trong các công ty cổ phần thuộc diện không nhạy cảm.
Trước mắt, có thể giảm bớt sở hữu nhà nước tại các công ty niêm yết về dưới 50% nhưng vẫn trên 35%. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa (CPH) các công ty 100% vốn nhà nước.
Sẽ cho phép DNNN thoái vốn dưới mệnh giá
Trước kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, thời gian vừa qua, Việt Nam đã đẩy mạnh CPH trên diện rộng, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc này đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, phát triển các yếu tố thị trường, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
Về kiến nghị đẩy nhanh lộ trình CPH của các nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Tài chính cũng và đang tập trung triển khai một số giải pháp cơ bản.
Giải pháp quan trọng nhất là Bộ đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý DNNN. Cụ thể, Bộ đang xây dựng Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2014. Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu với DNNN, sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý nợ DNNN.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính của đang sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP để hoàn thiện cơ chế chính sách về chuyển đổi và cổ phần hóa DNNN. Đồng thời, Bộ sẽ ban hành tiêu chí DN 100% vốn nhà nước, làm cơ sở cho các bộ, ngành phân loại và triển khai thực hiện.
Về thoái vốn DNNN, bà Mai cho hay, vướng mắc lớn nhất hiện nay khi thoái vốn là không được thoái vốn lỗ. Do đó, Bộ Tài chính đang xem xét đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc thoái vốn dưới mệnh giá của các DNNN để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn. Ngoài ra, sắp tới, Bộ cũng sẽ có các quy định về chuyển nhượng các khoản đầu tư, quy định chào bán cổ phần ra công chúng của các Công ty cổ phần chưa niêm yết.
Liên quan đến kiến nghị tăng tỷ lệ sở hữu của của nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết đang sửa đổi theo tinh thần trên./.