Chống hàng giả - doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc
VOV.VN - Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh tay với nạn hàng giả, trước hết là cần sự chủ động của chính các doanh nghiệp.
Năm 2013, cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý khoảng 14.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thu và nộp vào Ngân sách Nhà nước khoảng 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng ngại là đang có xu hướng chuyển dịch địa điểm sản xuất hàng giả từ nước ngoài vào Việt Nam gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế.
Đi vào hoạt động được 21 năm, nhưng cũng gần từng ấy năm Công ty CP Sinh hóa Minh Đức - chuyên sản xuất phân bón và thuốc sát trùng gia dụng ở Hà Nội luôn phải chống chọi với nạn hàng giả, hàng nhái.
Ông Nguyễn Thanh Đức, Giám đốc công ty cho biết, thủ đoạn của các đối tượng làm hàng giả là sử dụng tên gần giống với tên sản phẩm chính hãng, xâm phạm thiết kế kiểu dáng công nghiệp, bao bì, màu sắc…khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Các sản phẩm này chỉ có giá bằng một nửa so với sản phẩm chính hãng, nên ảnh hưởng lớn đến doanh thu của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Đức ước tính, 3 năm trở lại đây doanh số mỗi năm giảm 15-20%.
“Nhiều sản phẩm của công ty bị làm giả. Những dấu hiệu làm hàng giả khó phát hiện. Sản phẩm không đề tên nhà sản xuất nên quản lý thị trường khó tìm, mà chỉ bắt trên hệ thống bán lẻ. Hiện xử lý hàng giả mới chủ yếu xử lý phần ngọn tức là hệ thống bán lẻ mà theo luật thì chỉ bị xử phạt 4-6 triệu đồng, thì không tiêu diệt được tận gốc”, ông Đức cho hay.
Các doanh nghiệp cần vào cuộc cùng cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả. |
Nếu như năm 2010, số vụ xử lý hàng giả chỉ khoảng 10.500 vụ, số tiền phạt là 44,4 tỷ đồng, thì đến năm 2013, đã tăng lên đến hơn 14.000 vụ bị xử lý, số tiền phạt hơn 62 tỷ đồng, cho thấy hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, các đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả tại Việt Nam ngày càng tinh vi, không chỉ sản xuất trong nước mà hàng giả còn nhập khẩu dưới dạng nguyên chiếc hoặc chia nhỏ dưới dạng linh kiện, rồi vận chuyển qua nhiều hình thức nên rất khó phát hiện.
Theo cảnh báo từ nhiều chuyên gia, hiện có xu hướng dịch chuyển địa điểm sản xuất hàng giả từ Trung Quốc sang Việt Nam, do giá nhân công Việt Nam rẻ hơn và hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác, quy trình kiểm tra cũng dễ dàng hơn.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn dè dặt trong cuộc chiến chống hàng giả, ngại cung cấp cách phân biệt hàng giả cho đơn vị quản lý do lo sợ bị các đối tượng làm giả biết và sản xuất tinh vi hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lo ngại việc tố cáo hàng giả làm ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và doanh thu của sản phẩm.
“Doanh nghiệp cần chủ động phòng chống hàng giả như đầu tư công nghệ, dán tem chống hàng giả. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu kiểu dáng công nghiệp. Tổ chức kênh phân phối, giám sát quá trình hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng. Cung cấp thông tin mặt hàng vi phạm, đối tượng, thủ đoạn và đầu mối sản xuất buôn bán hàng giả; giúp quản lý thị trường giám định, phân biệt hàng giả”, ông Đỗ Thanh Lam cho khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc đăng ký bảo vệ thương hiệu là một trong những giải pháp chống hàng giả, nhưng chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Năm 2013 mới chỉ có 106 doanh nghiệp Việt Nam đề nghị thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, con số rất nhỏ trong khoảng 3,5 triệu doanh nghiệp hiện nay. Ở tầm quốc tế, đến nay, mới có 490 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia hệ thống bảo vệ thương hiệu hàng hoá. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ với quyền sở hữu trí tuệ.
Những vụ việc để rơi thương hiệu nổi tiếng như cà phê Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên, Vinataba…vào tay doanh nghiệp nước ngoài thời gian qua là bài học đắt giá. Thực tế, nếu doanh nghiệp không nhanh chóng đăng ký bảo vệ nhãn hiệu của mình, thì khi xảy ra vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sẽ khó đủ cơ sở pháp lý bảo hộ quyền của mình.
“Doanh nghiệp cần hiểu biết đầy đủ về quyền sở hữu trí tuệ, nhận thức đầy đủ quyền của mình đến đâu. Khi bảo hộ kịp thời tài sản và thông báo cho cơ quan chức năng thì quyền của họ mới được bảo hộ đầy đủ. Cơ quan quản lý cũng cần cung cấp thông tin đầy đủ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ thể trong xã hội. Điều đó đòi hỏi cơ quan thực thi cũng cần có những sửa đổi phù hợp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về bảo hộ quyền”, ông Hồng chia sẻ.
Với những diễn biến tinh vi, phức tạp, hậu quả do hàng giả gây ra là rất lớn. Không chỉ gây thất thu thuế, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, mà tình trạng này còn gây nhiễu loạn thị trường, thiệt hại cho doanh nghiệp và tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư nói chung.
Do đó, không chỉ cần giải pháp mạnh từ cơ quan chức năng mà còn cần chính sự chủ động quyết liệt của doanh nghiệp trong việc ngăn chặn hàng giả./.