Chủ tịch VCCI: Thiếu cái neo văn hóa, doanh nghiệp có thể gặp thảm họa
VOV.VN - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu coi doanh nghiệp là cỗ xe thì động cơ chắc chắn là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp...
Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời kỳ CMCN 4.0 văn hóa doanh nghiệp song hành cùng quản trị doanh nghiệp, cùng công nghệ thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là "tay lái"
Trao đổi trên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI so sánh: Nếu coi doanh nghiệp như ngôi nhà, tinh thần, thì văn hóa doanh nghiệp, và công nghệ 4.0 đều là những trụ cốt. Nếu coi doanh nghiệp là một cỗ xe thì động cơ chắc chắn là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp và bánh xe công nghệ 4.0.
Thiếu văn hóa thì doanh nghiệp như ngôi nhà thiếu trụ cột, như cỗ xe không có tay lái, như hành trình thiếu ngọn đuốc soi đường. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo Chủ tịch VCCI, văn hóa doanh nghiệp là tinh thần, là phần hồn của doanh nghiệp là giá trị cốt lõi là nền tảng của quản trị doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt và bao dung chứ không phải chỉ là ăn theo yếu tố kinh tế, công nghệ, theo kiểu "phú quý mới sinh lễ nghĩa".
Bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp cho thấy không thể xây dựng một thương hiệu mạnh và bền vững nếu thiếu một nền tảng quản trị và văn hóa doanh nghiệp mạnh. Chính văn hóa doanh nghiệp là hồn cốt cho sự cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi văn hóa doanh nghiệp không thể vay mượn hay sao chép, ông Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cho rằng, thiếu cái neo văn hóa thì với sự phát triển của công nghệ có thể dẫn đến một thảm họa của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 còn khác so với các thời kỳ trước đây, bởi việc tạo dựng giá trị niềm tin chung trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong môi trường có sự đa dạng giữa các chủ thể, và không chỉ giữa con người với con người, mà còn giữa con người với robot. Văn hóa có thể bao dung, dung hòa phát huy được sức mạnh con người và robot, văn hóa là nền tảng vô cùng quan trọng.Trong CMCN 4.0 thế giới nhỏ lại, doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên. Hội nhập hiện là việc doanh nghiệp lớn, nhưng với sự trợ giúp của internet, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, thì mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa siêu nhỏ có thể tiếp cận với thị trường thế giới. Cho nên trong bối cảnh hiện nay quy mô không quyết định lợi thế cạnh tranh, mà vấn đề quan trọng nhất là tốc độ, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Để có thể đạt tốc độ trong sự cạnh tranh, theo Chủ tịch VCCI, cần phải thay đổi công nghệ quản trị và để làm được điều đó phải thay đổi từ nền tảng văn hóa.
Văn hóa tạo nên thương hiệu
Chia sẻ trên Enternews về văn hóa doanh nghiệp, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam cho rằng, văn hóa doanh nghiệp chính là "phần hồn" của doanh nghiệp, là nền tảng của sự phát triển, tạo nên thương hiệu của các doanh nghiệp.
Theo ông Lê Doãn Hợp, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt tạo nên nguồn thu quốc gia, là nền tảng để hội nhập nền kinh tế thế giới. Trong thời đại ngày nay, nhiều doanh nghiệp chịu áp lực về doanh thu, lợi nhuận và cạnh tranh mà bỏ quên việc xây dựng văn hóa và chưa nhận thức đúng vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong việc phát triển doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp chính là những giá trị, niềm tin, hình thức mà mọi người trong doanh nghiệp cùng công nhận và suy nghĩ, nói, hành động như một thói quen, ông Hợp nói. Do đó, doanh nghiệp muốn thịnh vượng phải xây dựng được một bản sắc văn hóa lành mạnh và tiến bộ.
Nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp cho thấy, những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh thường có một nền tảng văn hóa doanh nghiệp mạnh. Để làm được điều đó phải bắt đầu từ mỗi người, đến từng công việc nhỏ nhất cũng phải thực sự có văn hóa. Đặc biệt, mỗi cán bộ nhân viên của doanh nghiệp còn được trau dồi các phẩm chất văn hóa đạo đức theo thuần phong mỹ tục của dân tộc. Chính vì vậy, văn hóa là chất xúc tác tạo nên thương hiệu của các doanh nghiệp, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam bày tỏ.
Theo ông Lê Doãn Hợp, trong thời đại công nghệ số, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp có phát triển được bền vững trong thời đại công nghệ số hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà sẽ dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp. Quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn. Một trong những thách thức đó là phát triển văn hóa như thế nào để văn hóa thực sự là động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.
Vẫn chỉ là hô khẩu hiệu?
Đề cập vấn đề xây dựng văn hoá doanh nghiệp, trên TheLeader, ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED - nêu quan điểm: Nếu cách mạng công nghiệp 4.0 mà không song hành với cách mạng văn hoá thì có thể dẫn đến thảm họa.
Theo ông Trung, văn hoá doanh nghiệp là những thứ vô hình nhưng được thể hiện qua những hành động hữu hình, những điều đơn giản nhất. Nhiều doanh nghiệp Việt có khát khao và thật tâm xây dựng văn hoá doanh nghiệp nhưng đa số vẫn chỉ đang hô khẩu hiệu mà chưa thành công.
Một trong những lý do khiến văn hóa doanh nghiệp chưa được xây dựng thành công, đó là thiếu sự hiểu biết thấu đáo về văn hoá và vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; thiếu tầm nhìn và giấc mơ rõ ràng về văn hoá; thiếu phương pháp và giải pháp để xây dựng văn hoá; và thiếu nỗ lực, kiên trì và bền bỉ.
Ông Giản Tư Trung lưu ý, văn hoá là thứ dùng để phân biệt giữa quản trị và cai trị, giữa lãnh đạo và cầm quyền; giữa doanh nhân, trọc phú và con buôn. Một doanh nghiệp thất bại, thảm khốc nhất tưởng chừng như là thất bại về chiến lược; nếu vẫn còn văn hoá thì có thể có cơ hội để đứng dậy nhưng nếu thất bại về cả văn hoá thì doanh nghiệp đó mãi mãi không đứng dậy được./.