Cổ phần hóa doanh nghiệp vì sao còn chậm?
VOV.VN - Hình thành một cơ chế linh hoạt trong quy định văn bản pháp luật có thể sẽ làm tăng tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa hiện nay đang từng bước được nâng cao. Theo công bố của Bộ Tài chính dựa trên báo cáo từ 3.576 doanh nghiệp trong cả nước đã cho thấy, sau khi đã sắp xếp, cổ phần hóa đã có đến 85% doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận và tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước năm sau luôn cao hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo các Quyết định của Thủ tướng chính phủ đến nay diễn ra vẫn còn chậm, việc xử lý những vấn đề về tài chính phát sinh trong cổ phần hóa còn lúng túng, chưa triệt để làm kéo dài thời gian.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa không thuộc diện nhà nước cần chi phối, có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp trên 51% vốn điều lệ vẫn còn rất cao.
“Đặc biệt tại các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, từ năm 2001 đến nay, phần lớn các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa có quy mô vừa và lớn còn nhiều tồn tại tài chính nên mất nhiều thời gian để định giá, xử lý tài chính”, ông Tiến cho biết.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về cổ phần hóa hiện nay vẫn chưa bao quát được hết đối với các đối tượng cổ phần hóa. Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2003 cũng gây ra nhiều hạn chế cho công tác cổ phẩn hóa khi không xử lý được đầy đủ cũng như không có quy định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu trong việc cổ phần hóa.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đã chuyển đổi xong 6 công ty TNHH MTV sản xuất than. (Ảnh: Internet)
“Công tác pháp chế tại các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tư vấn cho cấp lãnh đạo mỗi khi có quy định mới hoặc chuyển tiếp về cổ phần hóa. Hơn nữa tiến trình diễn ra rất lâu, đối với những doanh nghiệp thực hiện chậm khi có quy định chuyển tiếp đã làm cho việc thực hiện cổ phần hóa càng trở nên khó khăn”, ông Vinh nói.
Một vài những vướng mắc khác phải kể đến khi hệ thống pháp luật còn chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ như quy định xử lý tài chính và xác định lại giá trị của doanh nghiệp trong khi thực tế giá trị của doanh nghiệp lại thấp hơn các khoản phải trả. Nhiều doanh nghiệp thực chất đã lâm vào tình trạng phá sản, tuy nhiên lại được xử lý tài chính ngoài thủ tục phá sản doanh nghiệp, điều này lại không phủ hợp với Luật Phá sản.
Cùng với đó, việc xác định số lượng tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại mỗi doanh nghiệp cổ phần hóa cũng được xem là quy định cứng trong văn bản pháp luật. Phương pháp xác định giá khởi điểm của doanh nghiệp hiện vẫn còn chưa phù hợp, thường là giá khởi điểm thường quá cao so với giá trị doanh nghiệp, tạo cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý có tâm lý e ngại, chần chừ sợ trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước khi triển khai cổ phần hóa.
Để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước nhằm xác định rõ những ngành, lĩnh vực khi cổ phần hóa, xác định rõ tỷ lệ nắm giữ vốn của nhà nước trong tổng số cổ phần của mỗi doanh nghiệp.
Theo quan điểm của ông Cao Đăng Vinh, đối với vấn đề chuyển nhượng vốn nhà nước dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách tại công ty cổ phần đã niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán, nếu trong 3 tháng không bán hết số cổ phần chào bán thì chủ sở hữu vốn nhà nước xem xét quyết định điều chỉnh giảm giá bán tối đa 10% so với bình quân giá giao dịch thành công của 15 ngày trước.
Bà Vũ Đặng Hải Yến - Trưởng Ban Pháp chế, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, cần phải có quy định rõ hơn về đối tượng cổ phần hóa thuộc nhóm công ty mẹ Tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ trong Tổng công ty nhà nước. Theo đó cần quy định rõ: Trường hợp nào thì cổ phần hóa, trường hợp nào thì chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước.
“Trong văn bản hợp nhất của Bộ Tài chính quy định về điều kiện cổ phần hóa có ghi ngắn gọn là doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa khi còn vốn nhà nước. Vì thế, nếu vốn nhà nước trong doanh nghiệp còn khoảng trên 50% trở lên thì hãy nghĩ đến phương án cổ phần hóa. Chúng ta không né tránh việc giải thể cũng như phá sản doanh nghiệp, không nhất thiết cứ phải bán cổ phần chỉ để thay đổi cơ cấu về mặt cổ đông từ một chủ sở hữu sang đa dạng chủ sở hữu để trở thành công ty cổ phần”, bà Yến chia sẻ.
Quy định giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng được nhiều ý kiến cho rằng cần phải được xem xét điều chỉnh. Việc hạn chế số lượng nhà đầu tư chiến lược cũng như quy định về thời gian chuyển nhượng cổ phần với thời gian 5 năm hiện nay không hợp lý và thiếu cơ sở. Muốn tăng tính hấp dẫn mua cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nên giảm thời gian được phép chuyển nhượng cổ phần xuống còn 3 năm.
Vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp được ông Đặng Quyết Tiến phân tích, sở dĩ đây là việc khó khăn bởi doanh nghiệp đã không tiến hành làm tốt khâu chuẩn bị, trong đó có việc tính giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
“Xác định giá trị doanh nghiệp được thể hiện trong công tác quản trị tài chính của doanh nghiệp hàng năm, trong đó có việc kiểm kê đánh giá tài sản cũng như trích lập dự phòng. Để làm tốt điều này, trách nhiệm của bất kì ban tài chính nào trong các doanh nghiệp nhà nước phải duy trì việc quản trị tài chính thường xuyên, liên tục”, ông Tiến chỉ rõ./.