Cục Đăng kiểm nói gì về “giấy phép con” gây khó doanh nghiệp?
Khi Thông tư 43 của Bộ GTVT có hiệu lực, các tàu PPC mới sản xuất của các doanh nghiệp sẽ khó có cơ hội được đăng kiểm, dẫn đến doanh nghiệp phá sản.
Sau khi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội có công văn yêu cầu Bộ GTVT trả lời kiến nghị của các DN đóng tàu thuyền PPC về Thông tư 43, Bộ này đã giao lại việc trả lời cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đầy mâu thuẫn…
Trong buổi làm việc với PV, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cho biết, thực hiện văn bản số 1153/BGT VT-KHCN ngày 7/2/2017 của Bộ GTVT sao chuyển văn bản ngày 3/2/2017 của Ủy ban KHCNMT của Quốc hội liên quan kiến nghị về phát triển tàu thuyền công nghệ vật liệu PPC, Cục ĐKVN đã có báo cáo quá trình thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC và đề xuất với Bộ GTVT.
Sản xuất tàu tuần tra PPC cho Cảnh sát biển Việt Nam tại Công ty CP công nghệ James Boat. Việc cung cấp tàu thuyền cho lực lượng vũ trang chưa bao giờ bị Đăng kiểm Hải quân gây khó khăn./. |
Theo ông Trần Kỳ Hình: “Đến nay, Cục ĐKVN đã hoàn thành việc thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và cấp hồ sơ đăng kiểm cho nhiều phương tiện có sức chở từ 12 người trở xuống. Ngoài ra, Cục ĐKVN cũng đã cấp hồ sơ đăng kiểm cho hai tàu khách Ferry 42 sức chở 32 người và Ferry 56 sức chở 56 người của Công ty CP công nghệ James Boat. Đây là 2 tàu khách lớn nhất thế giới hiện nay được chế tạo bằng vật liệu PPC”.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, thẩm định thiết kế… từ ngày 11/1 – 15/1.2016, Cục ĐKVN cũng đã cử Đoàn công tác sang Cộng hòa Séc - cái nôi của việc chế tạo tàu thuyền PPC.
Ông Hình nhìn nhận: “Trên thế giới, PPC mới chỉ được sử dụng để chế tạo tàu thuyền vui chơi giải trí, tàu thuyền công tác với chiều dài lớn nhất không quá 17m, sức chở tối đa không quá 12 người”.
“Vậy tại sao Cục ĐKVN đã cấp đăng kiểm cho tàu khách chở đến 56 người mà khi ban hành Quy chuẩn quốc gia về “Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu polypropylene copolymer (PPC)” (Thông tư 43/2016/TT-BGTVT ngày 20/12/2016) lại chỉ chấp nhận cho DN đóng tàu có sức chở đến 12 người. Phải chăng đây là việc làm cố tình gây khó cho DN?”, PV đặt câu hỏi.
Ông Trần Kỳ Hình cho biết: “Việc Cục ĐKVN cấp đăng kiểm cho 2 tàu Ferry của Cty James Boat là thử nghiệm. Hiện nay, việc sử dụng thử nghiệm phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu PPC mới chỉ trong thời gian ngắn, vì vậy chưa có cơ sở xem xét đánh giá kết quả sử dụng thử nghiệm, đặc biệt đối với tàu thuyền có kích thước và sức chở lớn.
Vì vậy Cục ĐKVN đề xuất Bộ GTVT tiếp tục cho thử nghiệm phương tiện thủy có chiều thiết kế dưới 20 mét, có sức chở trên 12 người để có thể thu thập đầy đủ số liệu cần thiết, phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho tàu loại này”.(?!)
Cục ĐKVN đã từng và đang tiếp tục cản trở…
Liên quan đến việc đăng kiểm tàu thuyền đóng mới bằng công nghệ vật liệu PPC, năm 2015 Báo Lao Động đã từng có bài “Cục ĐKVN: Cản trở công nghệ đóng tàu bằng vật liệu mới” (số 144 ra ngày 26/6/2015).
Bài báo phản ánh, sau phát biểu của đại biểu Lê Thị Công (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa ra trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nghiêm khắc phê bình các đơn vị, cá nhân liên quan gây nên sự chậm trễ, thiệt hại cho DN.
Tiếp đó, “Bộ GTVT yêu cầu Cục ĐKVN công nhận kết quả đăng kiểm CS Lloyd hoặc Đăng kiểm Hải quân hoặc bất cứ một tổ chức đăng kiểm nào khác thực hiện, trên cơ sở đó cấp các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các phương tiện thủy nội địa vỏ PPC trong giai đoạn chưa ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ PPC” (Công văn số 7783/BGTVT-KHCN ngày 1/6/2015 “về việc ứng dụng vật liệu PPC trong đóng phương tiện thủy nội địa”).
Sau chỉ thị quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lúc đó, Cục ĐKVN đã phải tiến hành đăng kiểm nhiều tàu thuyền đóng bằng vật liệu PPC. Tuy nhiên, mới đây Công ty CP công nghệ Việt Séc tiếp tục kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng, khi nhiều tàu thuyền do Công ty này sản xuất không thể giao cho khách hàng vì Cục ĐKVN lại không cấp đăng kiểm.
Người Lao động sẽ mất việc nếu Bộ GTVT không sửa "giấy phép con" gây khó cho DN. |
"Nếu đến ngày 28/7/2017 khi Thông tư 43 có hiệu lực, 5 tàu PPC mới sản xuất của công ty sẽ khó có cơ hội được đăng kiểm, dẫn đến doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại gần chục tỉ đồng, chưa kể sẽ bị phạt hợp đồng. Khách hàng sẽ không tiếp tục đặt hàng và DN có khả năng phải đóng cửa, người lao độngsẽ mất việc làm”, ông Đảo khẳng định
Bộ GTVT lại ban hành “giấy phép con” gây khó cho doanh nghiệp