Thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, sáng 26/10, đại biểu Trần Văn Tiến -
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mong muốn Chính phủ giải trình rõ động lực tăng trưởng GDP 2018, đồng thời bày tỏ băn khoăn trước mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
|
Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. (Ảnh minh họa) |
Đại biểu Trần Văn Tiến nhấn mạnh: Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2018 do đâu khi một số chỉ tiêu như dịch vụ, tăng năng suất lao động, đóng góp các nhân tố tổng hợp (TFP) thấp hơn 2017 và không đạt mục tiêu 2018? Trong khi đó giải ngân vốn ngân sách 3 năm cũng chưa năm nào đạt mục tiêu...
"Ngân sách thu năm 2018 ước vượt 3% dự toán, nhưng tăng ở lĩnh vực nào là chính? Vì sao khoản thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế chính lại không đạt?", ông Tiến liên tiếp đặt câu hỏi.
|
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Ảnh: Quochoi.vn) |
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc cho rằng, cần làm rõ việc cứ 100 doanh nghiệp lập mới thì 77 phá sản, và băn khoăn: Vì sao số doanh nghiệp phát triển chững lại, số giải thể tăng cao trong khi môi trường kinh doanh được báo cáo là đang đẩy mạnh cải thiện? Với đà này, liệu mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp có đạt được?
Để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị Chính phủ phải ráo riết cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện cho các địa phương và doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư một cách nhanh chóng, nhất là việc phân bổ nguồn vốn.
Ông Phương cho hay, qua giám sát, việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài được doanh nghiệp phản ánh, hầu hết các dự án đều mất rất nhiều thời gian chờ đợi vốn vì phải qua quá nhiều khâu trung gian, phải qua nhiều Bộ để có vốn dự án.
"Trong Bộ thì có nhiều Cục, trong Cục lại có các Vụ, trong Vụ lại có các phòng, ban và cá nhân phụ trách. Với quá nhiều tầng lớp như vậy nên nguồn vốn đến với doanh nghiệp rất chậm chễ", ông Nguyễn Ngọc Phương nêu rõ.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Ảnh: Quochoi.vn) |
Thậm chí, có dự án điều chỉnh một chi tiết nhỏ nhưng phải mất hàng năm mới thực hiện được. Theo ông Phương, đó là những lý do khiến doanh nghiệp "chậm lớn".
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, thực tế phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thời gian qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.
Sự chậm chạp trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến mức qua non nửa năm 2018 chỉ cổ phần hóa chưa được 1/10 kế hoạch đề ra là một thực tế không mới nhưng lại chưa thể tìm được lời giải. Chưa tính tới sức khỏe nội tại của khối doanh nghiệp tư nhân, sự trì hoãn cổ phần hóa khối DNNN nói trên cũng đã tác động xấu tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Đặc biệt, khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao. Theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng tới 32,1%. Tính riêng quý III/2018, mức tăng là 49% so với cùng kỳ năm 2017.
Mỗi ngày có 270 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường
Số liệu từ Tổng Cục thống kê cũng cho thấy, 9 tháng đầu năm có tới hơn 73.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, bao gồm hơn 23.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hơn 50.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2018 là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng quý III có 4.907 doanh nghiệp giải thể, tăng 48,3% so với quý II và tăng gần 49% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, mỗi ngày có đến 270 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường./.