Doanh nghiệp FDI bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu
(VOV) - Nhiều kiến nghị về những vướng mắc của các doanh nghiệp FDI đang gặp phải cần được khẩn trương xử lý.
Chiều 14/5, Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm về phát triển sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2012 cả nước đã có 1.287 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 8,6 tỷ USD, bằng 71,2% so với năm 2011. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam 16,3 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm 2011.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Lê Dương Quang trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện các doanh nghiệp FDI. |
Tính luỹ kế đến ngày 31/12/212, đã có 14.522 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 210,5 tỷ USD. Hiện đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn đăng ký 28,6 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. TP HCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 32,2 tỷ USD, tiếp theo là Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương.
Với những con số đầu tư không ngừng tăng, doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp quan trọng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và chiểm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI năm 2012 (không kể dầu thô) đạt 64,05 tỷ USD; Tính riêng Quý I/2013, xuất khẩu của Việt Nam đạt 29,76 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đóng góp lớn của khối doanh nghiệp FDI với 17,25 USD, chiếm 58,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước, với tổng kim ngạch gần 4,5 tỷ USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp FDI thông báo cũng như kiến nghị với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Thuế…nhiều vướng mắc các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình đầu tư, hoạt động tại Việt Nam.
Mấu chốt nổi lên vẫn là những khó khăn trong việc xử lý giải quyết các thủ tục hành chính, thuế xuất nhập khẩu, lệ phí của các hàng hóa đặc thù… Qua buổi tọa đàm, các doanh nghiệp FDI đã kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn về trước mắt cũng như lâu dài của doanh nghiệp.
Đánh giá sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng, Khối doanh nghiệp FDI trong những năm qua liên tục là nhân tố chính giúp cán cân thương mại thặng dư. Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI góp phần lớn vào tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI phần lớn là nhập khẩu nguyên liệu, gia công xuất khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa còn chưa cao.
Cũng nhân dịp này, Bộ Công Thương cũng đã tặng Bằng khen của Chính phủ cho 7 doanh nghiệp FDI đã có đóng góp lớn trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất, xuất khẩu tại Việt Nam./.