Doanh nghiệp FDI được quá nhiều ưu ái
Đã có quá nhiều ưu ái cho FDI mà không dành những ưu đãi cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong một cuộc trò chuyện mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra những bất hợp lý trong chính sách phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với DN đầu tư trong nước, nhất là khu vực tư nhân.
Bà Phạm Chi Lan nói: Bên cạnh bức tranh đẹp về thu hút FDI ở Việt Nam thì cũng có một loạt các bài học mà Việt Nam cần xem xét lại về vai trò của FDI trong nền kinh tế. Sau khi tham gia WTO, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên rất mạnh và tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong GDP, trong công nghiệp và nhất là trong xuất khẩu ở Việt Nam liên tục tăng, trong khi tỷ trọng của các DN trong nước bị giảm tương ứng.
Điều này cho thấy chúng ta đã quá ưu ái cho FDI mà không dành những ưu đãi cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam, hoặc ít nhất là cho họ sự bình đẳng so với doanh nghiệp FDI, và vì vậy đã đẩy DN Việt Nam vào thế yếu hơn hẳn so với FDI.
DN trong nước không mơ tới được
Theo Bà Phạm Chi Lan, trong những năm vừa qua, với sự phát triển của thị trường bất động sản khiến giá đất của Việt Nam liên tục tăng và việc tiếp cận đất đai của các DN Việt Nam càng ngày càng trở nên khó khăn hơn, hoặc giá cả đắt đỏ hơn, nhưng hầu hết các DN FDI thậm chí có thể lấy được nhiều đất hơn mức cần thiết.
Tất cả các địa phương đều theo phương châm trải thảm đỏ và cái thảm đầu tiên là họ tạo những mảnh đất mênh mông cho các nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng với giá rất rẻ và với điều kiện được sử dụng rất dài hạn, trong khi DN Việt Nam không thể nào có được như vậy.
Thứ hai, DN FDI được miễn thuế, giảm thuế trong một thời gian rất dài: 10 năm miễn thuế, tiếp theo là 10 năm giảm thuế 50%. Trong khi DN Việt Nam nào được như vậy không? Không có!
Cũng theo bà Phạm Chi Lan, việc phân biệt đối xử giữa DN FDI và DN trong nước sẽ dẫn đến những hệ lụy. Trong ngắn hạn, hiện nay các DN Việt Nam đang đuối sức rất rõ và thị phần của DN FDI đang tăng lên. Bất cứ một nền kinh tế nào muốn phát triển thì trước hết phải dựa vào nội lực chứ không phải đựa vào bên ngoài.
Dựa vào FDI như vậy thì có thể chúng ta có con số tăng trưởng GDP đẹp, có con số xuất khẩu đẹp, nhưng nó không thực chất, vì đấy không phải là của Việt Nam và đến một ngày nào đó khi Việt Nam không còn cung cấp được những lợi thế đó nữa hoặc khộng còn những ưu đãi đó nữa thì không lý do gì giữ chân nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam được.
Họ có quyền chuyển sang bất cứ chân trời nào khác. Và nếu như có một sự rút lui nhanh của đầu tư nước ngoài như đã từng xảy ra ở Thái Lan hồi năm 1997 thì cái gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam? Thách thức đối với vĩ mô cũng có chứ không chỉ là cái chết của các DN trong nước nên tôi cho rằng rất cần điều chỉnh chính sách này.
Hai là, phải nói thật là không có một nước nào có sự ưu đãi quá mức cho người nước ngoài và phân biệt đối xử với người trong nước như vậy. Trong mọi hiệp định thương mại tự do, cái mà bên ngoài họ đấu tranh đòi chỉ là cái bình đẳng so với DN trong nước, nhưng ở nước ta thì có tình trạng ngược lại. Rất cần điều chỉnh chính sách, một mặt là rút bới những ưu đãi quá mức đối với đầu tư nước ngoài, mặt khác là thực sự tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho các DN trong nước và đây là điều Nhà nước cần phải làm gấp.
Có một khía cạnh khác của đầu tư nước ngoài nhưng không phải tất cả, đó là vẫn có những hành vi xấu của nhà đầu tư nước ngoài mà chúng ta không kiểm soát được. Chuyển giá chẳng hạn, đó là một cách để trốn thuế. Có những DN FDI đầu tư vào Việt Nam cả chục năm trời nhưng không nộp một đồng thuế nào cả mà vẫn tiếp tục tăng vốn, thì điều đó là không thể chấp nhận được.
Theo bà Phạm Chi Lan, do việc quản lý lỏng lẻo cũng như những chính sách của Việt Nam dành ưu đãi quá lớn cho doanh nghiệp FDI đã dẫn đến tình trạng này. Cụ thể là chính sách ưu đãi để cho DN vào theo cam kết phải thực hiện theo đúng thời hạn mình cam kết.
Tuy nhiên, họ được hưởng những ưu đãi đó là do mình chủ động đem lại thì mặt khác họ phải có những nghĩa vụ do luật pháp Việt Nam quy định. Đằng này, về nghĩa vụ thì bao giờ các DN cũng cố gắng né được càng nhiều càng tốt trong khi mình không có hệ thống kiểm soát tốt nên khiến họ né quá nhiều, quá lâu gây thiệt hại cho mình. Trong chuyện này thì trách nhiệm trước hết là ở Nhà nước. Mình kiểm soát tồi thì họ trốn thuế, chuyển giá./.
Chuyên gia kinh tế Phạm chi Lan: “Tôi nói thẳng là một phần nào đó DN FDI cùng với DN Nhà nước đã chèn lấn sự phát triển của DN tư nhân trong nước và làm cho khu vực DN tư nhân trong nước trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo gần đây của nhóm nghiên cứu Fulbright, cho thấy rất rõ và họ cũng kết luận là trong bốn động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam là DN Nhà nước, DN tư nhân trong nước, khu vực các hộ kinh doanh nông sản, sản xuất nông nghiệp và FDI thì chỉ khu vực FDI là sống được và tiếp tục sống khỏe trong điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay. Còn cả ba khu vực kia gặp khó khăn lớn”./.