Doanh nghiệp gặp khó khăn vì thuế tiêu thụ đặc biệt
VOV.VN - Các doanh nghiệp kiến nghị cần xem xét thay đổi cách tính thuế và lùi thời hạn thi hành quy định tính thuế tiêu thụ đặc biệt sang năm 2017.
Nghị định 108 và Thông tư 195 quy định về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) thành viên Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (Hiệp hội) vẫn kiến nghị, cần thay đổi thời gian thi hành để các DN ngành đồ uống có thể kịp thời điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh.
Ngoài ra, các DN còn cho rằng, việc thay đổi cách tính thuế TTĐB đang ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh của DN, đồng thời cũng ảnh hướng đến tính ổn định chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Giá tính thuế 7% làm khó doanh nghiệp
Hiện nay, về cơ bản giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, rượu và nước giải khát vẫn là giá bán ra của cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, tại Nghị định 108 và Thông tư 195, giá tính thuế TTĐB sẽ được tính dựa theo giá bán ra cuối cùng của công ty phân phối có quan hệ công ty mẹ, công ty con đối với công ty sản xuất và không được cao hơn 7% so với giá công ty sản xuất bán ra.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội, quy định này đem lại một số khó khăn cho DN. Với mức quy định trần trước đây là 10%, các DN phân phối có quan hệ công ty mẹ, con với công ty sản xuất được cho là có thể trang trải được các chi phí phân phối, hoạt động văn phòng, bán hàng... Nhưng khi giảm xuống 7% như quy định hiện nay, các DN này sẽ không thể đảm bảo được việc bù đắp các chi phí kể trên, dẫn đến việc giảm sút doanh thu và đóng góp ngân sách.
“Đặc thù của ngành đồ uống là giá bán ra thị trường sẽ thay đổi theo mùa, công ty phân phối không thể có một giá bán cố định cho các sản phẩm của mình. Như vậy, nếu quy định mức chênh lệch giá 7% như trong Nghị định 108 sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho cả DN trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi. Hơn nữa, điều này sẽ dẫn đến việc các DN gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế…”, ông Việt chỉ rõ.
Doanh nghiệp đồ uống lo ngại giảm doanh thu vì cách tính thuế TTĐB. (Ảnh minh họa: KT) |
Bà An cũng cho rằng, quy định chính sách thế nào để DN phải tuân thủ 100%. Nhưng với quy định này, DN khai xong nhưng vẫn băn khoăn không biết có trốn thuế hay không vì cơ sở kinh doanh thương mại kia nếu bán thấp hơn 7% thì DN sản xuất lại phải khai nộp thuế thêm, trong khi DN sản xuất bán ra và DN thương mại là hoàn toàn độc lập.
“Giả sử DN sản xuất bán ra, DN thương mại để trong kho đến khi DN sản xuất không sản xuất mặt hàng đó nữa, thế là DN thương mại nâng giá bán ra nhưng DN sản xuất lại phải đi nộp lại thuế TTĐB như vậy là không minh bạch và không rõ ràng”, bà An nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán ra, bà An cho biết, đáng lẽ DN sản xuất bán ra giá nào thì tính thuế TTĐB theo giá đấy.
“Với quy định như vậy, hầu hết các DN sẽ thành lập ra các DN thương mại 100% vốn của chính DN sản xuất và bán với giá thấp hơn. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ cho rằng sản phẩm không phải DN sản xuất bán ra, trong khi sản phẩm phải bán ra cho DN khác chứ không bán cho DN con để tính thuế không đầy đủ nên vấn đề này các DN cũng cần phải xem lại”, bà An nhận định.
Kiến nghị lùi thời điểm thực thi thêm 1 năm
Trước quy định tính thuế TTĐB, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đề xuất xem xét giữ nguyên cách xác định giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất như quy định tại Luật Thuế TTĐB hiện hành, trong cả hai trường hợp: Cơ sở sản xuất bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại có mối quan hệ công ty mẹ, công ty con với cơ sở sản xuất và cơ sở sản xuất bán hàng thông qua các cơ sở kinh doanh thương mại độc lập.
Bên cạnh đó, Hiệp hội này cũng đề nghị xem xét lại quy định về cách thức tính thuế TTĐB đối với các DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con để tạo điều kiện cho các DN sản xuất và nhập khẩu có thể hoạt động có hiệu quả và phù hợp với các quy định của pháp luật. Giữ nguyên mức chênh lệch 10% giá bán tại cơ sở thương mại như trước đây và đề nghị xem xét lùi lại thời điểm có hiệu lực của Nghị định và Thông tư này đến ngày 1/1/2017.
Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Bình An, đến nay Nghị định 108 và Thông tư 195 đã có hiệu lực gần 90 ngày, các DN vẫn đang phải kê khai thuế TTĐB hàng hàng nên việc các DN đề xuất hoãn thi hành quy định sẽ là không hợp lý.
Bà An đưa ra khuyến nghị, nếu thấy những quy định này không phù hợp, các DN cần phải tổng kết lại sau 3 tháng thực hiện. Trong đó nêu cụ thể mức thuế phải nộp tăng thêm đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh ra sao? Sản lượng tiêu thụ sản phẩm giảm bao nhiêu…với những số liệu và phân tích cụ thể, từ đó có những kiến nghị chính đáng lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có được sự thuyết phục./.