Doanh nghiệp ngại lớn khi vẫn còn nhiều rào cản
VOV.VN - Đóng góp tới 40% GDP của cả nước, khối doanh nghiệp tư nhân dù có số lượng lớn, nhưng hiện quy mô lại rất nhỏ bé.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm ưu thế so với các khu vực khác. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực này hiện chưa được cải thiện đáng kể.
Số lượng khu vực kinh tế tư nhân chiếm ưu thế nhưng quy mô lại không lớn. (Ảnh: Nguyễn Hằng). |
Nguyên nhân của tình trạng này là bởi quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Thêm vào đó, các thủ tục hành chính nhiều nơi còn rườm rà, phức tạp, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng vẫn còn khá phổ biến…
Ông Đỗ Đình Hiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc làm các thủ tục về đất đai, điều này gây cản trở, mất nhiều cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Quy định của nhà nước, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận đất đai sau 77 ngày, tuy nhiên, để có giấy phép xây dựng, doanh nghiệp phải mất 5 lần 77 ngày cũng chưa tiếp cận được đất đai, đó là thực tiễn. Làm hồ sơ để nhà đầu tư đặt chân vào đầu tư được đến đích ra giấy phép đầu tư được nhanh nhất cũng phải đến nửa năm. Nửa năm mới có giấy phép thì doanh nghiệp bay biến mất cơ hội rồi, ông Hiệu dẫn chứng.
Bên cạnh việc khó tiếp cận về đất đai, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Quang Vĩnh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, trong khi nhiều doanh nghiệp rất cần vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thì nhiều ngân hàng thương mại lại kêu "thừa vốn".
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn là do cả về phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý, ngân hàng đều thiếu thông tin, việc thông tin minh bạch chính là điều kiện vô cùng quan trọng để có thể giải quyết vấn đề này.
Vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp ngại lớn. (Ảnh: Nguyễn Hằng). |
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải tự lớn lên, các tổ chức tín dụng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, sản phẩm dịch vụ phù hợp hơn để tư vấn cho doanh nghiệp tốt hơn nữa để tiếp cận được tín dụng.
"Không ai phủ nhận được vai trò của kinh tế tư nhân nhưng rõ ràng còn nhiều việc phải làm, bên cạnh đó cần có sự phối hợp giữa cả 3 bên Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng cần tập trung cải thiện 3 yếu tố giúp phát triển khu vực kinh tế tư nhân: tính bài bản, tính chuyên nghiệp và sự minh bạch", ông Lực nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, những rào cản, khó khăn của doanh nghiệp cần được giải quyết để thời gian tới đất nước có thêm nhiều doanh nghiệp cỡ vừa và lớn, cũng như trở thành lực lượng đầu tàu của nền kinh tế. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp./. TPHCM: Gỡ các rào cản để kinh tế tăng trưởng bền vững
Nhiều rào cản xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc