Doanh nghiệp thủy sản qua một năm khó khăn chồng chất
VOV.VN - Khó khăn về thị trường, chi phí sản xuất tăng cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản kém cạnh tranh và gặp rất nhiều khó khăn.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đưa ra 10 sự kiện nổi bật của ngành thủy sản năm 2015, trong đó nhận định: Mặc dù đã đón đầu trước những cơ hội và thách thức, nhưng thủy sản Việt Nam vẫn chưa kịp thích nghi và ứng phó với nhiều rào cản.
Do đó, tính đến nửa đầu tháng 11/2015, tổng giá trị xuất khẩu mới chỉ đạt 5,84 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3 sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực là tôm giảm 26,2%; cá tra giảm 10,3% và cá ngừ giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Khó khăn về thị trường, chi phí sản xuất trong nước cao khiến sản phẩm xuất khẩu thủy sản Việt Nam kém cạnh tranh và gặp rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Trong số 10 sự kiện nổi bật được VASEP thống kê cho thấy, trong năm 2015 ngành thủy sản đã được tạo một số thuận lợi về mặt chính sách, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản, tạo ra tâm lý tốt hơn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Cá tra xuất khẩu của Việt Nam gặp quá nhiều rào cản khi vào thị trường Mỹ cũng như EU. (Ảnh: Internet) |
Cụ thể, ngay từ đầu năm, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra nhiều lập luận để thuyết phục, song DOC vẫn đưa ra mức thuế thiếu công bằng và bất hợp lý với mức thuế đối với cá tra philê đông lạnh của Việt Nam. Theo đó, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc là HUNG VUONG CORP và TAFISHCO lần lượt là 0,36 USD/kg và 0,84 USD/kg. 16 công ty là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế là 0,6 USD/kg.
Mặc dù đây mới chỉ là phán quyết sơ bộ của DOC nhưng vẫn rất khó để các doanh nghiệp cá tra Việt Nam có thể đưa hàng vào Mỹ.
Không dừng lại ở đó, ngày 25/11, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) lại thông báo về việc quyết định triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá Tra nhập khẩu vào Mỹ. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 (90 ngày sau khi đăng Công báo Liên bang).
Quyết định này được đưa ra và có hiệu lực trong thời gian quá gấp đang gây hoang mang cho các doanh nghiệp cá tra sang thị trường Mỹ. Dự báo, năm 2016 xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ sẽ sụt giảm mạnh so với năm 2015.
Bên cạnh đó, trong năm 2015, trong bối cảnh Trung Quốc đã phá giá đồng NDT, sự biến động của đồng USD, đồng Yen và Euro đều tác động tới hoạt động xuất khẩu của ngành thủy sản. Sự giảm giá nội tệ của một số nước đối thủ xuất khẩu khác cũng khiến cho nông sản và thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn tất các thủ tục để tham gia Hiệp định Thương mại tự do với thị trường EU, Hàn Quốc, với Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (FTA) và Hiệp định Thương mại hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ phải đứng trước những thách thức, rào cản lớn hơn nữa bên cạnh sự hưởng lợi thế lợi nhất về việc ưu đãi thuế.
Mặc dù Hiệp định TPP được coi là Hiệp định của thế kỷ 21 dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp thủy sản. 11 nước thành viên tham gia TPP đều là những đối tác chiến lược của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, sau những cơ hội này, nhiều doanh nghiệp nhận định đầy cũng là thách thức cũng quá lớn.
Mặt khác, việc EU và Mỹ tăng cường quản lý và giám sát thủy sản khai thác bằng danh sách các loài có nguy cơ sẽ được xây dựng dựa trên cơ chế truy xuất nguồn gốc tốn kém và phức tạp, điều sẽ gây khó khăn cho cả bên xuất khẩu cũng như nhà nhập khẩu Mỹ.
VASEP đã gửi góp ý yêu cầu Nhóm đặc trách sửa đổi bản dự thảo “danh sách các loài có nguy cơ”, cụ thể bỏ tôm ra khỏi danh sách này. Ngoài ra, trong năm 2015, EU cũng đưa ra nhiều cảnh báo với các nước vi phạm quy định IUU đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu từ các nước vi phạm./.