Doanh nghiệp vận tải biển liệt kê hàng loạt khó khăn
VOV.VN - Đa phần các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về vốn, thiếu nguồn hàng, cùng các chính sách chưa hợp lý.
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, những năm gần đây ngành vận tải biển Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi tích cực, giá cước vận tải nhìn chung thấp, nguồn hàng khan hiếm, chi phí hoạt động tăng cao… là khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải biển.
Thua ngay trên sân nhà
Với khoảng 1.700 tàu hoạt động nhưng đội tàu biển Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 400 tàu chạy tuyến quốc tế. Thị phần vận tải xuất - nhập khẩu của đội tàu trong nước chỉ chiếm khoảng 10% -12% tổng sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, lượng hàng hóa đa phần do đội tàu nước ngoài đảm nhận.
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, mặc dù đội tàu vận tải biển Việt Nam có tăng mạnh về trọng tải nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế chính như dư thừa trọng tải tàu đối với tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, rời, trong khi thiếu các tàu chuyên dùng và tàu trọng tải lớn; tuổi tàu bình quân cao.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp vận tải vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, hiệu quả kinh doanh kém, thua lỗ kéo dài, nhiều chủ tàu có nguy cơ phải phá sản. Về năng lực quản lý của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập.
“Nhiều chủ tàu chỉ quản lý một vài tàu nhỏ, kém chất lượng, kinh nghiệm và năng lực quản lý kinh doanh vận tải biển yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh không tốt tới hiệu quả kinh doanh chung của toàn đội tàu”, ông Nguyễn Nhật cho biết.
Trong khi đó, các ngân hàng tỏ ra không mặn mà lắm đối với việc cho các doanh nghiệp vận tải biển vay vốn. Các doanh nghiệp đứng trước vòng luẩn quẩn khi không có vốn đầu tư, hoặc khi vay được vốn thì chịu lãi suất cao cũng như khi đã bị thua lỗ thì lại không vay được vốn.
Theo Tổng thư kí hiệp hội chủ tàu Việt Nam - ông Đỗ Xuân Quỳnh, thời gian gần đây, hầu hết các doanh nghiệp khai thác vận tải hàng hóa dưới giá thành nhằm giảm lỗ. Đại đa số các doanh nghiệp vận tải biển hiện nay đang trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng.
Ông Quỳnh đề xuất cần sớm có những chính sách phù hợp hơn cho các chủ tàu. Thay cho việc tăng phí, lệ phí hàng hải hiện nay bằng cách tăng thị phần cho đội tàu nội địa. Bên cạnh đó cần dừng ngay việc cấp phép cho các tàu vận chuyển container tuyến nội địa, đồng thời tăng nguồn hàng chuyên chở cho đội tàu Việt Nam.
Ông Cao Minh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho rằng, hiện nay chi phí đóng mới tàu gặp nhiều bất cập đã kéo theo sự thua lỗ của doanh nghiệp vận tải khi lãi suất vay đóng tàu ở mức cao. Doanh nghiệp kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phương tiện vận tải.
Đối với doanh nghiệp vận tải đặc thù, ông Vũ Hoàng Hải, Giám đốc công ty vận tải biển Khai Nguyên cho rằng, vận tải xăng dầu nội địa đang vướng phải khó khăn khi đội tàu có tuổi thọ cao trong khi theo quy định hiện hành đang giới hạn tuổi tàu, đặc biệt đối với tàu chuyên dùng nhập khẩu theo quy định không được quá 15 năm.
Giám đốc doanh nghiệp vận tải tàu biển Nam Định cho rằng, phí và phụ phí ra vào cảng biển hiện nay còn có nhiều bất cập.
“Đối với các cảng dọc tuyến ven biển, doanh nghiệp tàu biển thường quá thông thuộc luồng lạch vậy tại sao còn áp đặt việc thu phí hoa tiêu? Khi tàu vào được cảng lại luôn bị gây khó dễ trong việc giải phóng hàng hóa. Điều này vô hình chung biến tàu của doanh nghiệp thành kho lưu hàng, đồng thời tạo ra cơ chế xin cho vô cùng bất hợp lý”, đại diện doanh nghiệp vận tải biển Nam Định chia sẻ.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng, theo quy định đối với tuyến vận tải hàng hóa quốc tế, nguồn nhiên liệu xăng dầu thường được hưởng quy chế khấu trừ thuế nguyên liệu đầu vào, tuy nhiên, để được hưởng quy chế này cần phải có giấy phép của cơ quan hải quan. Trong khi đó, quy định của cơ quan hải quan lại cho rằng, tàu xuất cảng lại phải có đủ điều kiện về kỹ thuật và nhiên liệu.
Hiện nay các doanh nghiệp đang được hưởng chính sách phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá trong vòng 5 năm, các doanh nghiệp vận tải biển đề xuất các Bộ, ban ngành hỗ trợ các khoản vay với lãi suất ưu đãi, đồng thời kiến nghị miễn khoản tiền phạt chậm nộp thuế.
Từng bước tháo gỡ và hoàn thiện
Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hậu cần vận tải logistics, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan trong thời gian tới cần rà soát lại quy hoạch cảng biển, đánh giá chất lượng các đội tàu biển trong cả nước, đồng thời tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giữa các cảng biển và cũng như dịch vụ hậu cần vận tải.
“Nhất thiết phải xây dựng được hệ thống văn bản đồng bộ, trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp. Cần sửa đổi ngay những Thông tư, Nghị định không còn phù hợp, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp vận tải. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp cần tăng cường sự phối hợp, liên kết trong một thể thống nhất nhằm nâng cao năng lực của mình”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tối ưu đối với Bộ GTVT, nhằm tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hậu cần trong thời điểm hiện nay./.