Doanh nghiệp Việt tại Đông Âu vượt khó

(VOV) -Bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ có chiến lược lâu dài, người Việt có thể làm chủ tốt chứ không thể núp mãi trong vỏ bọc cộng đồng.

Nên coi khủng hoảng là cơ hội

Với niềm tin mạnh mẽ vào các doanh nghiệp Việt Nam, ông Lâm Đức Hải, Chủ tịch doanh nghiệp Northfinder (Slovakia) phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu lần thứ 6 diễn ra ở Prague (CH Czech) mới đây: “Khủng hoảng ở châu Âu khiến các doanh nghiệp bản địa đi chậm lại, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thời gian tự đổi mới và theo kịp. Điều quan trọng là hãy bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ nhưng có chiến lược lâu dài, người Việt cũng có thể làm chủ tốt chứ không thể núp mãi trong vỏ bọc cộng đồng được”.


Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên đoàn các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu
Cùng niềm tin đó, ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên đoàn các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan khẳng định: ““Cái khó ló cái khôn”. Người Việt chúng ta có rất nhiều ưu điểm, một trong những ưu điểm đó là trong những lúc khó khăn luôn luôn có thể tìm ra lối thoát hợp lý. Thời điểm này, đúng là chưa thể nói ngay chúng ta phải kinh doanh cái gì, theo hướng nào. Nhưng có lẽ trước mắt chúng ta phải đa dạng hóa kinh doanh, tìm ra những hình thức kinh doanh mới. Đa dạng hóa thị trường, tìm đến nhiều đối tượng khách hàng tiêu thụ khác nhau ở các nước sở tại, chứ không nên chỉ nhắm chủ yếu vào đối tượng người thu nhập thấp để bán hàng rẻ. Phải khai thác nhiều hơn sự hợp tác với doanh nghiệp các nước sở tại. Tận dụng những điều kiện thuận lợi mà hội nhập đem lại”.

Ông Huê cũng hy vọng thời gian tới sẽ xuất hiện thêm nhiều ý tưởng kinh doanh, những tìm tòi mới. “Chúng tôi vẫn hy vọng tìm ra được con đường mới”.

Gắn kết, cùng vượt khủng hoảng

“Cộng đồng bà con người Việt tại Ba Lan nói riêng và tại châu Âu nói chung có một đặc tính chung đầu tiên phải kể đến là sự đoàn kết. Sự đoàn kết thể hiện ngay trong việc kinh doanh. Trước khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế, chúng tôi hiểu rằng khó khăn của một doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp nên đã nỗ lực hợp sức với nhau. Trước hết là hợp sức trong việc trao đổi các kinh nghiệm, ý tưởng”- ông Hoàng Mạnh Huê khẳng định.

Đồng tình với ông Hoàng Mạnh Huê, ông Phạm Dũng- một doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng tại Trung tâm thương mại Sapa (Prague, CH Czech) cho rằng, sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng người Việt Nam đem lại hiệu quả thiết thực, giúp vượt qua khủng hoảng.


Ông Phạm Dũng- một doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng tại TTTM Sapa (Prague- CH Czech)
Ông Dũng lấy ví dụ, cách đây 4 năm khi nền kinh tế của Czech bị ảnh hưởng, suy thoái, tất cả các xí nghiệp đình trệ khiến lao động người Việt Nam mất việc. Lúc đó Hội người Việt Nam tại Czech đã kêu gọi và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Đến nay, nhiều người gặp khó khăn đã trở thành những doanh nghiệp tương đối lớn và dĩ nhiên họ không quên khoảng thời gian khó khăn được cộng đồng giúp đỡ.

Nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trung tâm thương mại, đã liên kết với nhau rất chặt chẽ trong nhiều việc hỗ trợ cho bà con kinh doanh tại các trung tâm thương mại được tốt hơn. Các doanh nghiệp đã góp tiền thực hiện chiến dịch quảng cáo chung cho cả khu vực kinh doanh của người Việt, tạo điều kiện cho các địa bàn kinh doanh ấy thông thương, liên hệ dễ dàng hơn với người mua, đảm bảo an ninh trong quá trình thông thương. Bên cạnh đó cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo được tổ chức nhằm đưa vấn đề xem các doanh nghiệp đang gặp khó khăn gì và phải làm gì để vượt qua.

Ông Hoàng Đình Thắng- Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Czech nhận định: Người Việt Nam kinh doanh tại châu Âu, là những người đã biết thị trường, va chạm với thị trường và cái quan trọng nhất là họ rất biết phong tục và nguồn gốc và hàng hóa, nguồn gốc châu Á nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Bởi vậy, theo ông Thắng, “sự kinh doanh này sẽ tốt lên và nâng mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU”.

Uy tín, hợp pháp- điều kiện tiên quyết để làm ăn ổn định, lâu dài

Có một lượng rất lớn cộng đồng người Việt tại Đông Âu xuất phát là những thực tập sinh, nghiên cứu sinh từ những năm 70, 80 trở đi. Bởi vậy, có thể nói một phần cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam tại Đông Âu vốn là cộng đồng của các anh em trí thức, chuyển từ hoạt động khoa học, xã hội sang hoạt động kinh doanh. Ở góc độ nào đó, những đặc trưng của người làm trí thức thì cũng thể hiện ngay trong việc kinh doanh. Trong tương lai, vai trò đội ngũ doanh nghiệp trí thức sẽ là bộ phận nòng cốt, chủ đạo trong hoạt động kinh doanh tại đây. Phương pháp kinh doanh cũng vì thế mà mang tính khoa học hơn.

“Hoạt động kinh doanh sẽ bài bản hơn, tầm nhìn tốt hơn. Những đầu tư chung mang tính mục tiêu dài hạn hơn, sâu sắc hơn, chứ không mang tính chất của những người buôn bán ăn xổi”- ông Hoàng Mạnh Huê nói.

Cũng theo ông Hoàng Mạnh Huê “với anh em trí thức, còn phải kể đến văn hóa kinh doanh cũng là văn hóa của người trí thức. Sẽ không còn những trường hợp buôn bán xảy ra sự cố như lừa đảo, giả dối. Khi đó, phương thức buôn bán hợp luật với nước sở tại được chú trọng hơn, có uy tín hơn và đấy là một trong những điều kiện tiên quyết để làm ăn ổn định, lâu dài”.

Trả nghĩa quê hương

Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở các nước sở tại sau khi thành đạt đều trở về đầu tư xây dựng quê hương.

Ông Hoàng Mạnh Thắng khẳng định, “con số đầu tư cụ thể của họ là bí mật kinh doanh không thể tiết lộ, nhưng tôi biết có những doanh nghiệp dành một nửa, thậm chí quá nửa vốn của họ đang có để đầu tư về Việt Nam. Tôi cho đây là hướng đi rất đúng bởi Việt Nam đang là cơ hội và quan trọng hơn cả đó là quê hương mình”.

Năm 2012, lượng kiều hối về Việt Nam là 10 tỷ USD, chiếm 10% xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài.

Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời mới đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong hàng năm đều gia tăng và lượng kiều hối trong thời gian qua đã đầu tư cho hơn 2.000 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư về Việt Nam. 

Báo cáo Kinh tế Việt Nam- Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 1/2013 vừa được Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố, Việt Nam đang bước vào năm 2013 với một nền tảng mạnh mẽ với các số liệu kinh tế tích cực. Hơn ai hết, những doanh nghiệp Việt kiều đều có những quan sát và nhận định sâu sắc về kinh tế Việt Nam. Do đó  họ đều có dự định đầu tư về quê hương .

Ông Nguyễn Viết Quý- một doanh nghiệp kinh doanh thời trang tại Ba Lan cho biết sẽ sớm trở về xây dựng nhà xưởng may mặc quần áo tại Việt Nam xuất đi các nước châu Âu, phục vụ nhu cầu kinh doanh của công ty tại Ba Lan.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2012 giữa Việt Nam và EU đạt khoảng 29,09 tỷ USD, tăng 19,77% so với năm 2011.

Trong năm 2012, EU đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,31 tỷ USD, tăng 22,71% so với năm 2011.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2012 vẫn là các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như: hàng dệt may, giày dép các loại….

Năm 2012 là một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng các kết quả đạt được trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU là một tín hiệu đáng mừng và thành công. Điều này càng thể hiện vai trò cũng như vị trí của thị trường EU đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam

Đây cũng là tín hiệu tốt để các doanh nhân Việt kiều trở về đầu tư sản xuất tại quên hương, góp phần nâng cao quan hệ thương mại giữ Việt Nam và EU./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Doanh nghiệp Việt tại Đông Âu nhận diện khó khăn
Doanh nghiệp Việt tại Đông Âu nhận diện khó khăn

(VOV) -Sức mua giảm; sức cạnh tranh lớn; chưa hòa đồng, hội nhập sâu với nền kinh tế của nước sở tại...  là những khó khăn DN đang gặp phải

Doanh nghiệp Việt tại Đông Âu nhận diện khó khăn

Doanh nghiệp Việt tại Đông Âu nhận diện khó khăn

(VOV) -Sức mua giảm; sức cạnh tranh lớn; chưa hòa đồng, hội nhập sâu với nền kinh tế của nước sở tại...  là những khó khăn DN đang gặp phải