Doanh thu Big C Việt Nam tăng 55 lần sau 13 năm
Sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, quy mô và tiềm năng của thị trường đã làm nên sức hút của Big C Việt Nam.
Sau khi Tập đoàn Casino (Pháp) cho biết dự định bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam nhằm tái cơ cấu các khoản nợ, rất nhiều đại gia bán lẻ ngoại như Central Group, Lotte Group, Dairy Farm, Aeon... hoặc doanh nghiệp nội như Saigon Co.op... đều chạy đua để sở hữu hệ thống bán lẻ này. Bức tranh doanh thu của Big C trong suốt hơn 13 năm, cũng như giá trị của thương hiệu đã làm nên sức hấp dẫn của thương vụ mặc dù mức giá chi ra để sở hữu hệ thống này có thể lến tới 800 triệu USD.
Big C Việt Nam có tiền thân là hệ thống siêu thị Cora, dưới sự quản lý của Tập đoàn Bourbon (Pháp). Năm 1998, sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đường tinh chế, dịch vụ hàng hải..., Bourbon thành lập Công ty Vindémia và khai trương siêu thị đầu tiên ở Việt Nam mang phong cách Pháp với thương hiệu Cora tại Đồng Nai. Công ty này cũng có một phần vốn của Casino Group.
Chi phí đầu tư Cora Đồng Nai khi đó vào khoảng 54 triệu USD, trong đó có 65% vốn của Bourbon và 35% còn lại của Donimex - một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Siêu thị có diện tích hơn 18 ha với 391 nhân viên. Là siêu thị đầu tiên trên địa bàn Đồng Nai nên Cora đã đón nhận một lượng khách đến mua sắm và tham quan đông đảo, dù địa điểm ở cách trung tâm Biên Hòa đến hơn 10km. Các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ khi đó nhận định, Cora Đồng Nai thành lập bối cảnh khá thuận lợi, không chịu sự cạnh tranh khốc liệt vào thời điểm đó vì các đối thủ cạnh tranh tại Việt Nam như Co.op mart, Citimart, Maximark đều vẫn nhỏ cả về số lượng và quy mô.
Tập đoàn Casino chính thức tiếp quản hệ thống siêu thị Big C từ năm 2003 |
Với thuận lợi đó, năm 2000 và 2001, 2 siêu thị tiếp theo của Cora lần lượt ra đời tại TP HCM và cũng đón lượng khách hàng tương đương như ở Đồng Nai. Không có số liệu thống kê cụ thể trong giai đoạn này nhưng một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực cho biết, doanh thu ước tính của chuỗi siêu thị này vào khoảng 500 triệu đồng mỗi ngày. Tốc độ tăng doanh thu hàng năm vào khoảng 10%. Chủ sở hữu của hệ thống Cora khi đó dự kiến đạt lợi nhuận sau năm thứ 3.
Năm 2003, Bourbon thông báo hệ thống siêu thị Cora tại Việt Nam sẽ đổi tên do chủ sở hữu thương hiệu này tại Pháp ngừng ký kết hợp đồng cho mượn tên. Siêu thị chính thức được mang tên Big C - thương hiệu thuộc sở hữu của Casino Group. Vào thời điểm đó, thương hiệu Big C đã trở nên rất phổ biến tại Thái Lan nhưng nhiều chuyên gia từng lo ngại, Cora đã có tiếng tăm khá tốt tại Việt Nam nhiều năm qua, việc đổi tên thành Big C sẽ khiến hệ thống siêu thị này kém sức cạnh tranh so với các đối thủ đang nổi lên rất nhanh.
Mặc dù vậy, cuối năm đó, Vindémia vẫn quyết định Bắc tiến với thương hiệu mới và khởi công siêu thị thứ 4 của mình có tên gọi Big C Thăng Long (Hà Nội). Đây là liên doanh giữa đơn vị này và Công ty Thăng Long GTC với vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD.
Tuy nhiên, bước chuyển mình của hệ thống siêu thị chỉ thực sự diễn ra sau khi Tập đoàn Casino nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Vindémia và tiếp quản việc phát triển Big C Việt Nam. Trong một báo cáo đánh giá riêng về tình hình phát triển phát hành năm 2009, Tập đoàn Casino nhận định từ khi đơn vị này tiếp nhận, hệ thống Big C Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh khi doanh thu đạt mức tăng trưởng khoảng 45% mỗi năm. Cụ thể, nếu như năm 2002, doanh thu của đơn vị là 336 tỷ đồng thì con số này đã tăng lên gần 10 lần vào năm 2008. Số siêu thị cũng tăng lên gấp 3 lần, đạt con số 9.
Cũng trong báo cáo đó, với doanh thu năm 2009 đạt 4.375 tỷ đồng (khoảng 180 triệu euro), Casino nhận định Việt Nam là một thị trường có tiềm năng to lớn với dân số đông, trẻ. Với đánh giá lạc quan, Casino xây dựng mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu những năm sau đó bình quân 25%, đồng thời cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Doanh thu của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ năm 2002-2014 (đơn vị: tỷ đồng). Nguồn dữ liệu: Casino Group |
Những năm tiếp sau đó, doanh thu của Big C tiếp tục tăng trưởng mạnh cùng với sự mở rộng hệ thống. Với việc mở mới trung bình 2-4 địa điểm mỗi năm, hiện hệ thống có 32 siêu thị trên toàn quốc cùng với 10 cửa hàng tiện lợi tại TP HCM và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn.
Trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015, Casino ghi nhận doanh số của Big C Việt Nam đạt 312 triệu euro (khoảng 7.700 tỷ đồng), tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng của tập đoàn tại châu Á (23%). Lợi nhuận tại Việt Nam cũng tiếp tục đi lên và được hãng đánh giá “hài lòng” trong một bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra. Tuy nhiên, so với doanh thu ở các quốc gia khác trong bản đồ kinh doanh của Casino, thị trường Việt Nam lại yếu thế khi chỉ đóng góp chưa đầy 2% cho Tập đoàn. Đó cũng là một trong những lý do khiến Casino lựa chọn Việt Nam để bán lại.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với quy mô hơn 90 triệu dân cùng với giá trị của thương hiệu Big C đã làm nên sức hút của thương vụ. Đặc biệt, trong bối cảnh tại thị trường Việt Nam, ông Phú cho rằng các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi số lượng nhà bán lẻ nội và ngoại ngày càng gia tăng.
"Hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đều đã gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam với Lotte, Metro, Parkson, Aeon… Ở khối nội, bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như Saigon Co.op, Fivimart, Hapro... thì còn có các tay chơi mới, tiềm lực mạnh như Vingroup. Trong bối cảnh đó, nhiều đại gia bán lẻ muốn gia tăng sức mạnh của mình bằng cách thâu tóm, mua lại hệ thống khác cũng là một trong những cách làm hiệu quả, đặc biệt khi Big C đã có thương hiệu tốt", ông Phú nói, đồng thời cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong số đó đang tìm cách thâm nhập để nắm trong tay một chuỗi cung ứng từ sản xuất cho tới phân phối. Điều đó càng khiến cuộc chiến cạnh tranh và những thương vụ mua bán trên thị trường này trở nên sôi động hơn trong thời gian tới./. “Đại gia” nào muốn thâu tóm Big C Việt Nam?