Giật mình với những sai phạm tại Petrolimex
VOV.VN - Nhiều vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, hoạt động tài chính của Tập đoàn xăng dầu Petrolimex vừa được cơ quan thanh tra chỉ ra.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), việc quản lý, thực hiện kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Liên Bộ Tài chính – Công Thương trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2013 (thời kì thanh tra) còn có nhiều tồn tại, khuyết điểm và vi phạm.
Cụ thể trong việc xác định giá cơ sở xăng dầu để quyết định giá bán lẻ xăng dầu. Thanh tra Chính phủ nhận thấy, trong quý 1/2010, Petrolimex đã tự mua thông tin về giá xăng dầu thế giới trên tờ Platt’s Singapore để xây dựng giá cơ sở xăng dầu. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP, các yếu tố cấu thành giá cơ sở phải bao gồm giá xăng dầu thế giới; phí bảo hiểm; cước vận tải về đến cảng Việt Nam; thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt; chi phí kinh doanh định mức trước thuế; thuế giá trị gia tăng; phí xăng dầu; các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
“Việc Petrolimex và Liên bộ Công Thương - Tài chính không xác định và công bố giá xăng dầu thế giới là không đúng với chức trách, nhiệm vụ theo Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, dẫn đến khó kiểm soát việc xây dựng giá cơ sở và quyết định giá bán lẻ của các thương nhân đầu mối”, kết luận của TTCP nêu rõ.
Chi phí vận tải trong cơ cấu giá xăng dầu của Petrolimex chênh lệch rất nhiều so với thực tế. (Ảnh minh họa: KT) |
Cụ thể là đợt điều chỉnh giá ngày 21/2/2010, Petrolimex không điều chỉnh giảm 52 đồng/lít đối với mặt hàng dầu hỏa với sản lượng bán lẻ trong kỳ là 1,99 triệu lít, giá trị phải giảm là 103,5 triệu đồng; Không điều chỉnh tăng 69 đồng/kg đối với mặt hàng dầu mazut với sản lượng tiêu thụ trong kỳ là 8.954.927 kg, giá trị được tăng là 617,8 triệu đồng.
Ngoài ra, việc tính chi phí bảo hiểm và chi phí vận tải trong cơ cấu giá xăng dầu của Petrolimex chênh lệch rất nhiều so với thực tế. Cụ thể, từ quý 2/2010 đến tháng 6.2013, liên bộ Tài chính - Công thương trực tiếp điều hành giá bán lẻ xăng dầu, khi xây dựng giá cơ sở đã lấy yếu tố chi phí vận tải và phí bảo hiểm theo mức cố định như Petrolimex (xăng RON 92 là 2,5 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 2,5 USD/thùng, dầu hỏa là 3 USD/thùng...).
Nhưng kiểm tra thấy, thực tế chi phí vận tải và bảo hiểm xăng dầu nhập khẩu về đến cảng Việt Nam tính bình quân theo sản lượng và đơn giá thực tế của từng chuyến tàu với từng mặt hàng như xăng RON 92 là 1,79 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 1,56 USD/thùng, dầu hỏa là 1,69 USD/thùng. Dẫn đến từ năm 2010 đến tháng 6/2013, chi phí vận tải và bảo hiểm trong cấu thành giá cơ sở cao hơn thực tế 67,6 triệu USD. Điều này đã dẫn đến tăng giá bán, lợi cho thương nhân đầu mối, thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong các hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu khác, kết luận của TTCP cũng chỉ rõ, Petrolimex cũng bộc lộ những bất thường như khi so sánh đơn giá cước vận tải xăng dầu giữa tập đoàn Petrolimex và các đơn vị thành viên của tập đoàn. Petrolimex thuê tàu chở xăng dầu của chính công ty thành viên với giá cao hơn giá của các đơn vị khác, làm giảm hiệu quả kinh doanh và gián tiếp ảnh hưởng đến giá cơ sở.
Cụ thể, Petrolimex góp 51% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vipco và ký hợp đồng thuê tàu. Qua so sánh đơn giá cước cho thấy việc thuê tàu định hạn với Vipco (chiếm 80% tổng chi phí vận tải) cao hơn thuê chuyến, làm tăng chi phí vận chuyển 379 tỉ đồng. Theo TTCP, việc Tập đoàn này thuê tàu chở xăng dầu định hạn tuy đảm bảo sự chủ động trong vận chuyển nhưng đơn giá thuê định hạn cao hơn thuê chuyến, làm tăng chi phí vận chuyển khiến hiệu quả kinh doanh sụt giảm.
Ngoài ra, kết luận của TTCP cũng chỉ ra hoạt động đầu tư tài chính của Petrolimex vào một số đơn vị từ năm 2010 đã có những khoản đầu tư kém hiệu quả. Petrolimex đầu tư vào Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex 76,5 tỉ đồng nhưng cổ tức thu được chỉ đạt trên 6,4 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận bình quân mỗi năm chỉ đạt 2,8%; đầu tư vào Công ty Cổ phần bất động sản Petrolimex 102 tỉ đồng, cổ tức chỉ thu được 6,12 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận bình quân mỗi năm chỉ đạt 2%”.
Đặc biệt, Petrolimex đã sử dụng sai nguồn vốn đầu tư trên 646,5 tỉ đồng để đầu tư ngoài ngành vào ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản trên 231,89 tỉ đồng; cho các đơn vị thành viên vay dài hạn để xây dựng công trình, dự án trên 4141,66 tỉ đồng, điều này cho thấy Petrolimex chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ./.