Gỡ khó cho doanh nghiệp về nguồn vốn
VOV.VN - Theo thống kê, có đến 90% doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng để duy trì sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, do thiếu tính minh bạch trong các báo cáo tài chính; giao dịch của các doanh nghiệp thường bằng tiền mặt hay các hoạt động tín dụng ở Việt Nam còn quá nặng về tài sản tín chấp… khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Để có thể đón đầu được các khoản vay ưu đãi của ngân hàng, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải thay đổi cách thức giao dịch.
Ông Lâm Văn Chiểu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại giống cây trồng cho biết: từ khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, Công ty Cường Tân tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa giống tại các địa phương trong tỉnh Nam Định. Hiện nay Công ty dùng số vốn vay để đầu tư trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trên diện tích 300 ha sản xuất lúa lai F1. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện dự án vay vốn, phần đất đai sản xuất không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các hoạt động tín dụng ở Việt Nam còn quá nặng về tài sản tín chấp. Phía ngân hàng không thật sự đi sâu phân tích dự án để đồng hành cũng doanh nghiệp để quản lý dòng tiền.
Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 90% doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng để duy trì sản xuất kinh doanh. |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hiện nay đều thiếu tính minh bạch trong các báo cáo tài chính và giao dịch của các doanh nghiệp thường bằng tiền mặt. Do vậy, trên hệ thống của ngân hàng sẽ không ghi nhận được các giao dịch này dẫn đến việc ngân hàng không hiểu được việc quản lý dòng tiền, cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.
Ông Lê Đào Nguyên – Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay thường có năng lực tài chính yếu và tài sản tín chấp không có. Điều này đặt ra áp lực rất lớn cho ngân hàng là phải tìm hiểu rất kỹ và nắm rất kỹ về hoạt động doanh nghiệp, dám đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp phát triển.
Hiện Ngân hàng BIDV đang thiết kế các chính sách tín dụng và quan hệ phù hợp đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Qua đó, đưa ra các sản phẩm dịch vụ và các gói tín dụng phù hợp. Ngoài ra, còn có chương trình hỗ trợ trong đào tạo về tài chính, kế toán …giúp doanh nghiệp hạch toán một cách minh bạch nhằm tiếp cận được các ngân hàng khi có nhu cầu về vốn.
Ông Fung Kai Jin, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) cho biết, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, VPBank đang đẩy mạnh việc cải tiến chất lượng dịch vụ cũng như các sản phẩm tân tiến nhằm cung cấp đủ nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách dịch chuyển dần sang các hình thức cho vay không tài sản đảm bảo, khác với hình thức cho vay truyền thống.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chỉ thị yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay tín chấp. |
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chỉ thị yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay tín chấp. Theo đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, quy chế để đẩy mạnh việc cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho hay, Việt Nam phát triển kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng. “Vốn ngân hàng đưa vào doanh nghiệp phải sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có phương án rõ ràng có tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, các ngân hàng có thể theo sát được hoạt động thì mới mở rộng lĩnh vực này. Còn những doanh nghiệp chưa minh bạch hoặc ngân hàng chưa hiểu được rõ thì cũng rất khó để cho vay tín chấp,” ông Đông nói.
Để mối quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và ngân hàng thêm bền chặt, cả hai cần xác định rõ mối quan hệ này là đối tác kinh doanh bền vững, lâu dài. Các ngân hàng thương mại nên triển khai việc cho vay dựa trên cơ sở tín chấp của Ngân hàng Nhà nước. Về phía các doanh nghiệp cần cải thiện tính minh bạch trong báo cáo tài chính bằng cách cung cấp đầy đủ các thông tin và thường xuyên tương tác với ngân hàng. Đây là điều kiện cần để có thể tiếp cận được các nguồn vốn thuận lợi hơn./.