Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cần coi trọng chất lượng
VOV.VN - Nên để các thành phần kinh tế tự chủ động trong phát triển bằng những giải pháp là động lực, đòn bẩy, không phải những mệnh lệnh phi thị trường.
Trước thềm đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra vào ngày 17/5 tới đây, sáng nay (13/5) tại Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nghị quyết 35/NQ-CP về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp: Hiệu quả và những giải pháp”.
Các đây 1 năm, sau cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp tại TP HCM, Chính phủ đã ra Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp nước ta đã có bước phát triển tích cực. Riêng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97% số lượng doanh nghiệp của cả nước, được đánh giá như một luồng gió mới tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận rằng, đã có những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, quy trình thực hiện trong lĩnh vực thuế, hải quan, hỗ trợ, xúc tiến đầu tư… việc thành lập doanh nghiệp đã rút ngắn thời gian xuống còn 3 ngày.
Cùng với đó, ngành ngân hàng đã có nhiều động thái tích cực trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về thủ tục vay vốn, phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng dự án và phương án sản xuất kinh doanh; ngành thuế và hải quan có nhiều đổi mới trong thủ tục làm giảm thời gian cho doanh nghiệp…
Những nỗ lực trên đã góp phần giúp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội trong năm qua tăng 10 bậc so với bảng xếp hạng PCI năm 2015 và lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt và ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, thành phố, thu hút đầu tư xã hội cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao...
Ông Hoàng Văn Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ tin học Efy Việt Nam nhận định: Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ là động lực cho các doanh nghiệp tư nhân có thêm niềm tin vào định hướng và chính sách Nhà nước quan tâm hơn đến lĩnh vực tư nhân.
“Chúng tôi mong muốn trong Nghị quyết này Nhà nước cần có chính sách định hướng nên phân khúc các doanh nghiệp lớn và những doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp lớn nên làm việc lớn và doanh nghiệp nhỏ thì nên làm việc nhỏ. Như vậy sẽ tối ưu được nguồn lực của toàn xã hội”, ông Thuần nói.
Đánh giá những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, ông Chu Đức Lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Phú Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực tại Hà Nội đã cải cách tinh gọn, giảm về thời gian khi làm thủ tục hành chính. Đơn cử, trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trước đây, để hoàn thiện một bộ thủ tục mất từ 3 - 6 tháng nhưng nay chỉ mất từ 1 - 2 tuần.
Tuy vậy, ông Lượng cho rằng, nên tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh bằng các đòn bẩy kinh tế chứ đừng nên bằng mệnh lệnh hành chính. Ví dụ, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp từ hộ kinh doanh cá thể phải thành lập doanh nghiệp thời gian qua, khi 3 người cùng bắt tay thành lập doanh nghiệp để lấy thành tích là điều không nên. Số doanh nghiệp không quan trọng bằng chất lượng doanh nghiệp.
Trong thời kỳ hội nhập, nên để các thành phần kinh tế tự chủ động trong phát triển, hội nhập, doanh nghiệp cần những giải pháp là động lực, đòn bẩy, không phải những mệnh lệnh phi thị trường.
“Chúng ta nên duy trì tinh thần của Nghị quyết 35 và thể thể chế hóa thành những luật và làm sao giữ được niềm tin cho doanh nghiệp, giúp cho các bộ máy cơ quan Nhà nước giữ được tinh thần cầu thị, giải quyết được công việc của mình cũng như giải quyết được những khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Lượng đề xuất.
Nghị quyết 35 là điểm tựa, còn doanh nghiệp phải chủ động vươn lên
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, tinh thần của Nghị quyết 35 có hai đối tượng bị tác động là Nhà nước và doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tự đổi mới sáng tạo mà chỉ dựa vào hỗ trợ của Nhà nước sẽ không tạo ra được thị trường. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải tự chủ động sáng tạo và thay đổi./.