Liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI còn khá mờ nhạt
VOV.VN - Liên kết của doanh nghiệp khu vực FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước còn khá mờ nhạt và chưa thực sự phát triển.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) mặc dù đã có sự cải thiện, các doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu thâm nhập vào chuỗi cung ứng của một số tập đoàn đa quốc gia như SamSung, LG… nhưng vẫn chậm so với kỳ vọng của Chính phủ và mức độ cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng chỉ rõ, khả năng kết nối của doanh nghiệp Việt “chưa vươn tầm khu vực”. Trong khi, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia thì bản thân các sản phẩm của các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhận định, mặc dù Việt Nam có luồng FDI tốt nhưng để đem lại sự lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều vấn đề phải làm. “Nếu không thể hấp thụ được những thành quả về công nghệ cũng như năng lực quản trị từ các doanh nghiệp FDI, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn sẽ không thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Ousmane Dione chỉ rõ.
SamSung Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về sản phẩm hỗ trợ sản xuất trong nước. (Ảnh minh họa: KT) |
“Trong hơn 10 năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ làm ăn với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hoặc xuất khẩu trực tiếp mặc dù có tín hiệu tích cực và có tăng nhưng mà tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có bán hàng cho doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 8%; tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp chỉ khoảng dưới 20%, mặc dù có tăng qua từng năm nhưng đây là tỷ lệ tương đối thấp”, ông Tuấn cho biết.
Để tăng cường sức cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân trong nước với khu vực doanh nghiệp FDI cũng như có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo các chuyên gia, điều kiện đầu tiên vẫn phụ thuộc vào năng lực, khả năng cạnh tranh của chính các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, cần làm sao để hướng doanh nghiệp Việt Nam kết nối được với các nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các tập đoàn đa quốc gia, như thế cũng đã là thành công.
“Điểm yếu nhất là năng lực công nghệ của Việt Nam thấp, trong khi năng lực công nghệ đòi hỏi phải cả một quá trình nên cần phải có một hệ sinh thái riêng. Chính phủ cần hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước có những bước đột phá về công nghệ đổi mới sáng tạo, có nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển”, ông Thắng cho biết.
Nếu xác định nhà cung ứng “cấp 1” là nhà cung cấp trực tiếp cho chuỗi cung ứng toàn cầu, thì ở giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam (với hơn 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ) mới chủ yếu là nhà cung ứng ở “cấp độ thứ ba”. Các doanh nghiệp mới sản xuất được các linh kiện hoặc nguyên liệu đầu vào đơn giản, có giá trị gia tăng thấp và cũng vẫn chủ yếu cung cấp gián tiếp thông qua các nhà cung ứng ở cấp độ thứ hai.
Nêu dẫn chứng về điều này, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) lấy ví dụ, SamSung là doanh nghiệp đứng thứ 2 toàn cầu. Cho nên, để tham gia được vào chuỗi cung ứng của SamSung, các doanh nghiệp trong nước phải đủ năng lực để có sản phẩm cạnh tranh toàn cầu. Bởi vì sản phẩm chỉ “tốt nhất ở Việt Nam” nhưng nếu không phải tốt nhất toàn cầu thì Sam Sung cũng không dám mạo hiểm mua sản phẩm.
Còn theo ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, cùng với các chương trình xúc tiến thương mại ra nước ngoài, cần chủ động thực hiện kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau thông qua các tổ chức hiệp hội ngành nghề.
“Cơ quan chính phủ kết hợp với các Hiệp hội cần tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp sản suất và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Từ đó xác định các tiêu chuẩn và tiến hành kết nối giữa các doanh nghiệp còn hạn chế với doanh nghiệp tiên tiến nhất”, ông Giám cho hay.
Có thể thấy, việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước có nguyên nhân từ những hạn chế ở cả phía cung và phía cầu. Bên cạnh đó là những hạn chế chung về thể chế và chính sách, gây cản trở cho quá trình liên kết.
Vì vậy, thay vì tạo ra những gói hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp, Chính phủ cần tập trung vào việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh kết nối một cách công bằng để các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng./.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có cơ hội vào Nhật Bản