Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất
VOV.VN - Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đang gấp rút nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất nâng công suất lên 8,5 triệu tấn/năm.
Mới đây, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã ký kết Hợp đồng tư vấn thiết kế tổng thể dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với đối tác Amec Foster Wheeler (Vương quốc Anh). Một Tổ hợp Lọc hóa dầu đang dần được hình thành tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi trong tương lai gần.
Phân xưởng công nghệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất do các nhà thầu Việt Nam tiến hành bảo dưỡng. |
Theo tính toán, chi phí dầu thô đầu vào hiện chiếm hơn 96% trên tổng chi phí vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất hàng năm. Một trong những yêu cầu của việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất là phải xử lý những chủng loại dầu thô chua, nặng và nhiều tạp chất hơn được nhập khẩu với giá rẻ từ Trung Đông, Tây Phi và Nga.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể mãi mãi là nhà máy lọc dầu số 1 theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, nếu không đảm bảo tính cạnh tranh sòng phẳng. Tới đây, khi các nhà máy lọc dầu số 2, số 3 của các nhà đầu tư nước ngoài, các liên doanh trong và ngoài nước chắc chắn sẽ được xây dựng, sẽ có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt về công nghệ kỹ thuật.
“Làm sao để Nhà máy lọc dầu Dung Quất không phải là số 1 cho những năm đầu tiên, kể cả khi xuất hiện các nhà máy lọc dầu mới, vẫn khẳng định là số 1 về năng lực cạnh tranh, hình mẫu một nhà máy lọc dầu tiên tiến, hiệu quả, hiệu suất cao nhất”, ông Giang cho biết.
Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ USD, sau khi hoàn thành sẽ nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm hiện nay lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày. Theo đó, năm 2022 sẽ đưa nhà máy hoàn thiện vào vận hành, sản xuất, đáp ứng 55-60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước và tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu nhiên liệu.
Các kỹ sư Việt Nam trao đổi trên công trường trong đợt bảo dưỡng nhà máy lần hai. |
Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu góp phần vào thu ngân sách rất lớn. Năm 2015 tỉnh dự kiến thu ngân sách trên 16.500 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 90% tổng thu ngân sách trên địa bàn. Trong Khu kinh tế Dung Quất đến nay có khoảng 120 nhà đầu tư kinh doanh, có khoảng 77 doanh nghiệp, một năm đem lại doanh thu trên 100.000 tỷ đồng.
Ổn định đời sống khu tái định cư
Khi xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 1, khoảng 1.800 hộ dân đã di dời đến các khu tái định cư. Hơn 10 năm nay, từ vùng đất khô cằn cát trắng, cỏ dại và những hàng dương chắn gió bão, Dung Quất đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước với những nhà máy hiện đại.
Tuy nhiên, nhiều người dân tái định cư vẫn chưa an cư do thiếu nước sạch, cơ sở y tế, trường học. Khó khăn trong sinh kế, nhiều người bỏ quê lên thành phố, vào Nam để mưu sinh. Vì thế, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi càng thận trọng hơn trong việc di dời tái định cư 400 hộ dân nhường đất cho dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2. Đối với xã Bình Trị, nơi chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho dự án, những hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp vẫn còn nhiều lo lắng về chuyển đổi ngành nghề và chuyện học hành của con cái.
Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị, việc giải phóng mặt bằng đã cắt xén các công trình đường giao thông, kênh mương thủy lợi.
“Trước mắt phải kịp thời làm kênh, làm mương bù lại để sản xuất của người dân không bị gián đoạn. Song song với đó là lo chỗ học hành cho con em, bởi theo tiến độ cam kết của lãnh đạo tỉnh với Tập đoàn dầu khí, trong 5 tháng nữa phải bàn giao mặt bằng nhưng đến nay chưa triển khai gì do đó sẽ phải mất hơn 1 năm mới có trường học”, ông Thính nói.
10 năm trước, ít ai nghĩ Việt Nam có thể tự đầu tư, xây dựng và điều hành một nhà máy lọc dầu quy mô, hiện đại. Thì nay, một Tổ hợp Lọc hóa dầu lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang hình thành ngay trên mảnh đất Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi anh hùng trong quá khứ, phát triển bền vững trong tương lai./.