Năng lượng xanh - bước tiến mới trong chương trình tiết kiệm điện

VOV.VN - EVN SPC đã đưa vào vận hành 4 công trình tại các tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ với sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt 527.000 kWh.

Một trong các giải pháp đột phá hiện nay của EVN là việc triển khai thí điểm mô hình mới trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng ESCO (Energy Service Company) với giải pháp sử dụng hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp để cung cấp cho khách hàng là các nhà máy, xí nghiệp, khách sạn, bệnh viện, … tại 21 tỉnh/thành phố phía Nam.

Năng lượng mặt trời lắp đặt tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ - CASEAMEX, Cần Thơ


Từ tháng 08/2014 đến nay, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) được EVN giao liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) thực hiện và đưa vào vận hành 4 công trình tại các tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ với sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt 527.000 kWh.

Thực tế từ việc áp dụng mô hình ESCO

Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ là khách hàng tiên phong áp dụng mô hình ESCO. EVN SPC đã hợp tác cùng Công ty SolarBK đầu tư lắp đặt và cung cấp hệ thống máy nước nóng Năng lượng mặt trời với quy mô sử dụng trên 23.000 lít nước nóng một ngày, lượng điện năng tiêu thụ cần thiết để gia nhiệt cho hệ thống nước (đến 55oC) vào khoảng 983 kWh/ngày, tương đương 1,6 triệu đồng/ngày. Việc áp dụng mô hình ESCO đã giảm được 24,1% điện năng tiêu thụ, tiết kiệm được hơn 1,2 triệu đồng/ngày và ngoài ra sau thời gian vận hành 4 năm, khách hàng sẽ sở hữu toàn bộ hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời theo như cam kết đầu tư ban đầu.

Nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016-2020, Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá để nhân rộng mô hình ESCO trên phạm vi 21 tỉnh /thành phía Nam.

Hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình ESCO rất khả quan và nhận được sự đánh giá tích cực của khách hàng. Đề án đã tác động đến việc đầu tư cải tạo, thay thế các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng; sử dụng năng lượng tái tạo để giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; thực hiện nghiêm Chỉ thị 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện.

Với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo và định hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ thông qua Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những chiến lược phát triển nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và yêu cầu nhập khẩu than cho phát điện bằng cách phát triển các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng mới và năng lượng tái tạo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên