Số tiền gần 6.000 tỉ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích (con gái ông Trần Quí Thanh, người sáng lập Tân Hiệp Phát) đang là tâm điểm chú ý của dư luận trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB). Cuộc phỏng vấn ông Trần Quí Thanh sẽ làm rõ nguồn gốc số tiền này.
|
Doanh nhân Trần Quí Thanh và con gái Trần Uyên Phương – người được kỳ vọng sẽ kế tục sự nghiệp kinh doanh của ông. (Ảnh: DĐDN) |
Đầu tiên, ông Thanh chia sẻ: "Đây là số tiền mà tôi và gia đình đã tích lũy các khoản lợi từ kinh doanh trong nhiều năm qua để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Số tiền này dự kiến sẽ được sử dụng đầu tư vào 3 nhà máy tại Hà Nam, Chu Lai và Hậu Giang với mục tiêu đưa Tân Hiệp Phát (THP) trở thành tập đoàn hàng đầu châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm.
** Vậy sao bà Trần Ngọc Bích lại gửi số tiền này vào VNCB thưa ông?
Ông Trần Quí Thanh: Khoảng năm 2012 - 2013, trong quá trình chờ đưa vào đầu tư nhà máy nhưng vẫn muốn đảm bảo sinh lời hiệu quả, tôi đã đồng ý cho con gái tôi cùng các cộng sự dưới sự giám sát của tôi gửi vào VNCB kỳ hạn dài, sau đó thế chấp sổ tiết kiệm vay ngắn hạn tạo tính thanh khoản.
Việc gửi tiền sau đó có nhu cầu vay lại bằng sổ tiết kiệm của chúng tôi hoàn toàn là các giao dịch độc lập, nhằm đảm bảo khi cần thì có tiền mặt sử dụng ngay mà không phải rút trước hạn và tránh được tình huống ngân hàng không cho vay do bị hạn chế tăng trưởng tín dụng.
**Ông sẵn sàng cho con gái quản lý số tiền lên tới gần 6.000 tỉ đồng?
Ông Trần Quí Thanh: Là một doanh nhân, tôi luôn hết lòng ủng hộ việc các con tôi dấn thân vào kinh doanh để trưởng thành. Việc giao số tiền lớn cho con gái tôi quản lý và sinh lời là điều cần thiết, là bước đệm quan trọng cho những hoạch định kinh doanh sau này của gia đình.
Việc con tôi lựa chọn VNCB hay bất cứ ngân hàng nào khác đều do chúng tự quyết định, tôi không muốn xen vào vì muốn rèn luyện cho các con đức tính trách nhiệm, bản lĩnh và dám đương đầu với thử thách. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đây là một bài học đắt giá cho con gái tôi trên thương trường với những hệ lụy lẽ ra không có.
** Hệ lụy mà ông đề cập ở đây cụ thể là gì?
Ông Trần Quí Thanh: Theo kế hoạch, đến năm 2017, THP sẽ hoàn thành giai đoạn 1 việc đầu tư xây dựng 3 nhà máy tại Hà Nam, Chu Lai và Hậu Giang với số vốn gần 6.000 tỉ đồng và đến năm 2020 là 12.000 tỉ đồng. Chúng tôi kỳ vọng sau khi đầu tư 3 nhà máy, doanh thu của công ty sẽ lên 2 - 3 tỉ USD/năm trong vòng 10 năm tới, đóng góp cho ngân sách từ 5.000 - 6.000 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, số tiền này đang bị mắc kẹt trong vụ án tại VNCB, trong khi dự án hiện nay chỉ mới triển khai cầm chừng, chưa hoạt động hết công suất. Điều này không những ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty, mà còn ảnh hưởng đến các bên cung cấp, đến sự phát triển thị trường, sự phát triển kinh tế địa phương (dự kiến mỗi nhà máy sử dụng 2.000 lao động).
** Hiện vụ án VNCB đang đi vào hồi kết, ông có nghĩ mình sẽ thu hồi lại được số vốn này?
Ông Trần Quí Thanh: Con gái tôi thực hiện các giao dịch qua đại diện của VNCB, bị chính ban lãnh đạo của VNCB tự ý rút tiền khi không có sự đồng ý của con tôi thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tôi luôn tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, của hội đồng xét xử sẽ đưa ra những phán quyết công minh để trả lại cho con gái tôi cũng như người bị hại khác những đồng tiền được làm ra trên mồ hôi và công sức của mình, để chúng tôi tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Không cổ phần hóa để giữ thương hiệu Việt
** Ông có nghĩ tới việc huy động vốn thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp?
Ông Trần Quí Thanh:Với kết quả hoạt động kinh doanh của THP khá hiệu quả trong nhiều năm gần đây, tôi tin rằng nếu có thực hiện cổ phần hóa thì chắc chắn sẽ thành công. Năm 2012, một tập đoàn nước giải khát nổi tiếng nước ngoài đã đề cập với chúng tôi về việc hợp tác.
Tập đoàn này sẽ giao cho THP phụ trách khu vực Việt Nam - Lào - Campuchia, ngược lại họ sẽ được góp vốn và quản lý các sản phẩm thương hiệu THP nhưng tôi đã quyết định từ chối. Chúng tôi muốn phát triển THP thành thương hiệu Việt tầm vóc châu Á với doanh thu 3 tỉ USD trong vòng 10 năm tới chứ không chỉ ở khu vực Đông Dương hay làm gia công cho đối tác nước ngoài.
Thị trường nước giải khát luôn cạnh tranh rất gay gắt. Đã có không ít trường hợp thôn tính để tiêu diệt đối thủ, cạnh tranh không lành mạnh kể cả chuyện chơi xấu nhau, để làm cho doanh nghiệp mất tinh thần, chán nản, và bán doanh nghiệp đi. Nếu chúng tôi thực hiện cổ phần hóa thì chắc chắn đối thủ sẽ có mặt trong hội đồng quản trị công ty. Điều này sẽ là cản trở chiến lược phát triển THP thành thương hiệu Việt như tôi vừa nói trên.
** Ông sợ cạnh tranh với những gã khổng lồ trong ngành giải khát?
Ông Trần Quí Thanh: Năm 2009, tôi đã quyết tâm đầu tư hàng chục triệu USD để đưa về hệ thống dây chuyền công nghệ Aseptic. Đây được đánh giá là công nghệ của thế kỷ 21, bởi không những đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giữ nguyên được hàm lượng tinh chất của nguyên liệu tự nhiên.
Tới thời điểm hiện nay, THP tự tin là một trong vài doanh nghiệp hiếm hoi tại VN có đủ khả năng đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ Aseptic này và đưa các sản phẩm ra thị trường thế giới - nơi đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt nhất./.
** Xin cảm ơn ông!./.
Yêu cầu VNCB có trách nhiệm với khoản vay 5.490 tỉ đồng
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử “đại án” Phạm Công Danh hôm qua (24.8), nhóm bà Bích và các luật sư (LS) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình đã trình bày quan điểm về những vấn đề liên quan đến 5.490 tỉ đồng và kiến nghị của Viện Kiểm sát thu hồi 500 tỉ đồng từ bà Bích.
Bà Bích và các LS đều khẳng định 5.881 tỉ đồng nhóm bà Bích gửi vào VNCB dưới hình thức 124 sổ tiết kiệm đều là nguồn tiền hợp pháp của 17 cá nhân trong nhóm. Về số tiền 5.190 tỉ đồng bị VNCB ghi nhận chuyển ra khỏi tài khoản của bà Bích không có chứng từ, không có lệnh chi của chủ tài khoản, các LS yêu cầu VNCB chịu trách nhiệm trả lại cho bà Bích; đồng thời yêu cầu VNCB giải chấp, trả lại toàn bộ 118 sổ tiết kiệm cầm cố cho khoản vay này. Về khoản vay 300 tỉ đồng không có chữ ký của những người đứng tên trên sổ tiết kiệm, tiền vay Phạm Công Danh lấy sử dụng, các LS đề nghị VNCB trả lại các sổ tiết kiệm và những người này không chịu trách nhiệm về khoản vay. Đối với cáo buộc bà Bích nhận 2.700 tỉ đồng lãi ngoài của bị cáo Danh, LS nhóm bà Bích cho rằng không có căn cứ thì không thể nói bà Bích nhận lãi ngoài.
Ngoài ra, để chứng minh bà Bích không biết và không đồng thuận với việc chuyển 5.490 tỉ đồng, các LS trình bày bà Bích không sử dụng dịch vụ SMS banking, nhận tin báo giao dịch qua điện thoại. Điều này thể hiện rõ qua vi bằng được lập ngày 25.8.2014 giữa VNCB và bà Bích.
LS cũng cho rằng không thể thu hồi 5.190 tỉ đồng từ tài khoản ông Danh chuyển qua cho ông Trần Quí Thanh vì đây là giao dịch ngay tình, cần được pháp luật bảo vệ và số tiền này được chuyển khoản, không phải vật chứng nên không thể thu hồi./.
Phan Thương