Thu phí setup kinh doanh hàng Thái: Doanh nghiệp đang “trục lợi”?

VOV.VN - Doanh nghiệp muốn nhượng quyền cho bên thứ 3 phải được sự đồng ý của bên nhượng quyền và nếu thu phí là hành vi bất hợp pháp.

Lợi dụng việc hàng Thái Lan đang ngày càng “chiếm lĩnh” thị trường, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng Thái đã trà trộn hàng giả, hàng nhái để đánh lừa người tiêu dùng. Thậm chí một số doanh nghiệp còn tìm cách “ép” cửa hàng, đại lý đóng nhiều khoản phí bất hợp lý.

Hàng giả đội lốt “xách tay”

“Cơn bão” hàng Thái đã nhanh chóng đổ bộ vào thị trường Việt Nam và “phủ sóng” hầu hết các ngóc ngách, từ chợ truyền thống cho đến “chợ” online, từ thành thị đến nông thôn, từ cửa hàng tạp hóa đến chợ, siêu thị. Doanh thu từ hàng Thái tăng mạnh khiến không ít doanh nghiệp (DN) kinh doanh hàng Thái làm ăn chụp giật, trà trộn hàng giả, hàng nhái đội lốt “xách tay” để bán cho người tiêu dùng.

Ông Toàn tại một buổi khai trương cửa hàng Thái.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay hàng hóa Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam theo 2 đường. Một là, nhập khẩu chính ngạch và một dạng theo đường hàng hóa “xách tay”. Trên thực tế, khi kiểm tra nguồn gốc của các mặt hàng đang được bày bán thì chỉ một số cửa hàng lớn có nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng. Còn lại nhiều cửa hàng, đại lý sản phẩm được bán ở đây không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng như không có tem nhập khẩu và phân phối, nhiều mặt hàng không có hạn sử dụng mà chỉ có ngày sản xuất.


Khi hỏi nhân viên bán hàng của các cửa hàng bán đồ Thái, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Hạn sử dụng đồng loạt là 3 năm đối với tất cả các sản phẩm”. Thắc mắc về chất lượng sản phẩm, các nhân viên này đều khẳng định đây là “hàng Thái xịn” được “xách tay” về nên không phải lo lắng về chất lượng.

Trong khi đó, theo nguyên tắc hàng hóa nhập khẩu, trước khi lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra chất lượng và dán nhãn phụ đúng quy định. Tuy nhiên, các sản phẩm Thái, đặc biệt là mỹ phẩm chỉ có chữ Thái Lan, khiến người tiêu dùng không biết tên, địa chỉ DN sản xuất, không biết xuất xứ của sản phẩm có đúng như quảng cáo hay không?.

Chị Thu Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh hàng Thái ở phố Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, ngoài hàng nhập khẩu về theo đường chính ngạch và “xách tay” thì cũng có không ít đồ “nhái”, “đội lốt” hàng Thái Lan để bán giá cao hơn và những hàng này chất lượng thường rất kém.

Thu tiền trái phép?

Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu muốn mở cửa hàng kinh doanh hàng Thái, ngoài số tiền 300 -  500 triệu đồng phải đóng để lấy hàng thì khách hàng còn phải nộp thêm 50 triệu đồng.

Trong vai khách hàng, phóng viên liên hệ với ông Lê Phú Toàn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại XNK THT Việt Nam (gọi tắt là THT), ông Toàn cho biết, ngoài 400 - 500 triệu đồng tiền hàng thì khách hàng phải đóng thêm 50 triệu gồm 25 triệu là tiền nhượng quyền và 25 triệu là tiền đặt cọc hàng hóa (?). Ông Toàn còn cho biết thêm, hiện công ty đã nhượng quyền cho 9 cửa hàng tại Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc…

Để tìm hiểu rõ thông tin THT liệu có “móc túi” khách hàng hay không và căn cứ vào đâu mà doanh nghiệp này thu 50 triệu đồng này, Phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Toàn. Khi phóng viên đề nghị phía công ty cung cấp hợp đồng độc quyền ký với đối tác ở Thái Lan và giấy đăng ký hoạt động nhượng quyền với cơ quan chức năng thì ông Toàn cho rằng “hợp đồng độc quyền này không thể tiết lộ và không có nghĩa vụ cung cấp cho đại lý, cửa hàng kể cả khi có yêu cầu”.

Trái ngược với thông tin ông Toàn đã trao đổi với phóng viên (trong vai người mua hàng) thì thật bất ngờ, tại buổi làm việc này, ông Toàn khẳng định: “Công ty chúng tôi là nhà phân phối hàng Thái Lan tại Việt Nam, để mở rộng mô hình kinh doanh, công ty “liên kết” mở 5-7 điểm bán hàng Thái. Đây không phải là nhượng quyền mà là mô hình hợp tác kinh doanh, chúng tôi tư vấn xây dựng mô hình kinh doanh hoàn chỉnh và cung cấp hàng hóa cho đối tác và họ sẽ trả cho chúng tôi phí setup”.

Chị Lưu Hằng, chuyên viên tư vấn của Công ty Luật Minh Khuê cho biết, trường hợp DN Việt Nam là bên nhận quyền sơ cấp từ bên nước ngoài, DN Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 1 năm ở Việt Nam.


DN phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền. Khi DN này muốn nhượng quyền cho bên thứ 3 thì phải nhận được sự đồng ý của bên nhượng quyền. Khách hàng có quyền yêu cầu phía công ty cung cấp hàng cung cấp những hợp đồng này. Nếu DN không có những thủ tục trên thì DN kinh doanh chưa đủ điều kiện và đây là thu phí bất hợp pháp, vi phạm Điều 284-291, Luật Thương mại 2005, và Điều 95, Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Trở lại sự việc của THT, rõ ràng có sự bất nhất trong câu trả lời của đại diện THT, lúc lại khẳng định là nhượng quyền, lúc thì cho rằng không phải là nhượng quyền mà là mô hình hợp tác kinh doanh.

Vậy, điều gì khiến ông Toàn có sự trả lời bất nhất đến như vậy; phí setup là phí gì, số tiền này sẽ đi đâu? Liệu đây có phải là một chiêu “móc túi” khách hàng của THT không? Để trả lời câu hỏi này rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hàng Thái Lan đang tràn khắp chợ và siêu thị tại Việt Nam
Hàng Thái Lan đang tràn khắp chợ và siêu thị tại Việt Nam

 Hàng Thái Lan đang hiện diện tại hầu hết các kênh phân phối trên thị trường Việt Nam từ chợ đến siêu thị.

Hàng Thái Lan đang tràn khắp chợ và siêu thị tại Việt Nam

Hàng Thái Lan đang tràn khắp chợ và siêu thị tại Việt Nam

 Hàng Thái Lan đang hiện diện tại hầu hết các kênh phân phối trên thị trường Việt Nam từ chợ đến siêu thị.

Làm thế nào để hàng Việt vào được siêu thị ngoại?
Làm thế nào để hàng Việt vào được siêu thị ngoại?

VOV.VN - Sau khi các hệ thống bán lẻ rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, sản phẩm của Việt Nam rất khó có cơ hội thâm nhập vào kênh bán lẻ hiện đại.

Làm thế nào để hàng Việt vào được siêu thị ngoại?

Làm thế nào để hàng Việt vào được siêu thị ngoại?

VOV.VN - Sau khi các hệ thống bán lẻ rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, sản phẩm của Việt Nam rất khó có cơ hội thâm nhập vào kênh bán lẻ hiện đại.

Doanh nghiệp nội khó đưa hàng vào siêu thị ngoại
Doanh nghiệp nội khó đưa hàng vào siêu thị ngoại

VOV.VN - Chiết khấu siêu thị tăng cao khiến các doanh nghiệp nội khó đưa hàng vào siêu thị ngoại.

Doanh nghiệp nội khó đưa hàng vào siêu thị ngoại

Doanh nghiệp nội khó đưa hàng vào siêu thị ngoại

VOV.VN - Chiết khấu siêu thị tăng cao khiến các doanh nghiệp nội khó đưa hàng vào siêu thị ngoại.