Tiền Giang: Người dân phản ứng về Nhà máy giấy Đại Dương
VOV.VN - Nhiều người dân lo ngại khi Nhà máy giấy Đại Dương đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất.
Thông tin UBND tỉnh Tiền Giang có chủ trương cho phép xây dựng nhà máy giấy Đại Dương rộng hơn 227.500 m2 , với tổng công suất lên tới 413.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Long Giang, thuộc xã Tân Lập I, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang khiến chính quyền và nhân dân vùng Đồng Tháp Mười bày tỏ chưa đồng tình.
Nhiều người lo ngại khi nhà máy giấy đi vào hoạt động, ít nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất của hàng nghìn người dân vùng đất mới này.
Công ty TNHH Đồng Hải Lượng tại KCN Long Giang xả nước thải ra khu vực này đã từng bị xử phạt trên 600 triệu đồng do gây ô nhiễm. |
Bà Hồng cho biết, khu công nghiệp Long Giang hiện đã có một số doanh nghiệp thải nước thải, khói bụi gây ô nhiễm môi trường, nay có thêm nhà máy giấy sẽ khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng nặng nề hơn. Đặc biệt dòng nước Kênh Năng sẽ không còn phù sa mà đầy tạp chất nguy hại.
“Ở đây vẫn có người sử dụng nước sông nên nếu nước sông ô nhiễm sẽ nguy hiểm đến tính mạng người dân. Nhà máy giấy hoạt động sẽ phải xả nước thải nên xử lý xây dựng ở địa điểm phù hợp hơn, tránh môi trường bị ô nhiễm, thiệt hại, bệnh tật cho người dân”, bà Hồng đề nghị.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở khu công nghiệp Long Giang đều xả nước thải ra Kênh Năng. Trong khi tuyến kênh này kết nối với hệ thống kênh thủy lợi của cả huyện Tân Phước. Do đó, nếu Kênh Năng bị ô nhiễm thì cả vùng Đồng Tháp Mười này bị ảnh hưởng.
Một người dân ở xã Hưng Thanh, huyện Tân Phước lo lắng nói: “Nhà máy giấy xây dựng khiến người dân lo sợ, vì người dân hằng ngày vẫn sử dụng nước sinh hoạt chung trên dòng sông. Nhà máy giấy xây dựng làm sao phải có xử lý chất thải, nếu xả thải ra sông sức khỏe người dân sẽ bị đe dọa”.
Dự án nhà máy giấy Đại Dương khi hoạt động, ngoài lượng nước thải khổng lồ rất khó xử lý còn phải thải ra môi trường lượng khói bụi rất lớn. Nếu không kiểm soát chặt sẽ có tác hại khôn lường.
Hơn nữa, hiện nay ở gần khu vực này, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 35 ha. Do đó, nhà máy giấy sẽ ít nhiều tác động đến dự án.
Dòng Kênh Năng sẽ gánh gòng nguồn nước thải xả ra từ Khu công nghiệp Long Giang, nơi có Nhà máy giấy Đại Dương. |
Ông Nguyễn Văn Lãnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập I, huyện Tân Phước chia sẻ, nhân dân phản ánh và không thống nhất, đồng tình với việc xây nhà máy giấy.
“Nhà máy sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là môi trường nước khi hệ thống kênh rạch hẹp, thủy triều lên xuống chậm khiến việc rút chất xả thải không hết, gây tồn dư chất hóa học. Chính quyền địa phương kiến nghị cấp trên nên xem xét, rút kinh nghiệm từ nhà máy ở miền Trung và nhà máy giấy ở tỉnh Hậu Giang, đừng để hậu quả nặng nề cho bà con”, ông Lãnh mong muốn.
Nhà máy giấy Đại Dương đòi bồi thường 10 triệu USD nếu bị thu hồi
Do đó, các ngành chức năng và UBND tỉnh Tiền Giang cần xem xét, nghiên cứu, đặc biệt cẩn trọng trước khi cho phép nhà đầu tư xây dựng nhà máy giấy vốn rất nhạy cảm về môi trường tại nơi này./.