Tướng Nguyễn Mạnh Hùng,TGĐ Viettel: Không được mắc sai lầm chiến lược
VOV.VN - Thành công đến từ những thất bại, chọn đúng định hướng phát triển và cách dùng người là những bài học lớn của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.
Chiều 30/10, tại buổi nói chuyện chuyên đề “Xu hướng phát triển của viễn thông, sự tương tác giữa sức mạnh của công nghệ và truyền thông” do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học lớn đưa Tập đoàn đi từ vị thế thấp đến ngôi vị của “người khổng lồ” trong lĩnh vực viễn thông.
“Không mắc sai lầm mang tính chiến lược”
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Viettel có được thành công như ngày hôm nay không thể không nhắc đến những bài học về kinh nghiệm quản lý đã được các hãng lớn trên thế giới chia sẻ như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… Viettel đã từng thành công đỉnh cao, tuy nhiên, những năm vừa qua do sức ép cạnh tranh lớn nên vẫn phải tiếp tục phải vượt lên từ những khó khăn hiện tại.
Tổng Giám đốc Hùng kể: Khi đã thành công ở lĩnh vực điện thoại di động những năm 2007-2008, lúc này Tập đoàn lại có ý tưởng phát triển điện thoại cố định dùng công nghệ di động (mảnh đất có sự cạnh tranh rất lớn với VNPT) với hy vọng phát triển hàng chục triệu thuê bao/năm, tương đương mức phát triển của điện thoại di động. Tuy nhiên, khi tham gia thị trường điện thoại cố định dùng công nghệ vô tuyến, Viettel gặp thất bại khi đã không được thị trường hưởng ứng.
Từ câu chuyện này Tổng Giám đốc Hùng cho rằng, chính trong những lúc thành công là không thể có những quyết định nóng vội, duy ý chí. Tổ chức chỉ được phép sai lầm mang tính chiến thuật, không thể để sai lầm mang tính chiến lược, bởi những sai lầm mang tính chiến lược có thể dẫn đến sự diệt vong của một tổ chức.
“Câu chuyện sai lầm khi phát miễn phí chiếc điện thoại cố định trị giá 500.000 đồng đã rút ra một bài học cho Viettel: “Đừng bao giờ cho cái gì bằng 0”. Vì tất cả những thứ bằng 0 từ chỗ có giá trị trở thành nhận thức không có giá trị. Chính vì vậy, hiện nay những chính sách marketting của Viettel đã được rút kinh nghiệm rất nhiều”, Tổng Giám đốc Hùng chia sẻ.
“Một cách làm chỉ có một người thắng”
Chia sẻ câu chuyện thành công của Viettel trong quá trình tìm hiểu và phát triển sản phẩm mới, dựa trên nền tảng công nghệ viễn thông, người đứng đầu Tập đoàn Viettel thừa nhận, quan điểm của Tập đoàn là rất khó bắt chước những thành công của các đối thủ đi trước. Do đó, Viettel thường tìm được chiến lược dựa trên sức mạnh cốt lõi, xuất phát từ yếu tố văn hóa. Mỗi tổ chức đều có văn hóa khác nhau nên dùng khi dùng chung chiến lược của nhau là điều rất khó tồn tại và phát triển.
Tâm sự về điều này, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi Tập đoàn tìm hiểu lĩnh vực công nghệ thông tin, Tập đoàn hiểu rõ đang đứng trước sự cạnh tranh rất lớn không chỉ trong nước mà trên cả toàn cầu, nhất là với những dự án về công nghệ thông tin với khó khăn trong việc thu hút nhân tài cũng như sự thay đổi quá nhanh về mặt công nghệ.
“Viettel đã có định hướng biến dự án công nghệ thông tin thành dịch vụ, cụ thể là việc đầu tư các hệ thống công nghệ thông tin thành dịch vụ như dịch vụ viễn thông để chào hàng. Hơn nữa, trước xu hướng đưa những ứng dụng công nghệ thông tin chạy trên nền của các thiết bị di động, Tập đoàn lấy đó làm thế mạnh để định hướng và phát triển”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ngoài ra, Tập đoàn Viettel còn phát hiện ra cách điều hành doanh nghiệp ở mỗi tổ chức là khác nhau, vì thế đã cho ra đời những phần mềm quản lý điều hành mang tính cá thể hóa theo từng tổ chức thay vì các phần mềm đã được chuẩn hóa. Hơn nữa, Viettel còn thành công với chiến lược đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng, đặc biệt trong việc khắc phục, vá lỗi phần mềm nhanh, hiệu quả, tạo được niềm tin, đưa khách hàng tham gia vào quá trình sáng tạo sản phẩm.
“Quá trình xử lý sự cố chính là quá trình nghiên cứu phát triển. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra được một con đường riêng của mình nhưng không kém nhiều lắm so với các đối thủ. Nếu trong cùng một lĩnh vực hoạt động, khai sinh sau lại muốn trở thành như đối thủ của mình hoặc hơn họ là điều không thể, nhưng nếu làm khác đi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Vì tôi khác anh nên tôi đã hơn anh! Trong một mô hình, một cách làm chỉ có một người thắng. Viettel đã cạnh tranh thành công nhờ vào rất nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố quan trọng đó là có một cách tổ chức không theo khuôn mẫu”, Thiếu tướng nói.
Tuy nhiên, chiến lược của Viettel chủ yếu dựa trên những phát hiện cốt lõi, việc định hướng đúng hay sai phải dựa trên một nghiên cứu khá sâu sắc và hiểu được bản chất của vấn đề khi đó mới có một phát hiện lớn.
Bài học về cách dùng người
Trong những năm gần đây, khi Viettel đã phát triển lớn mạnh, bộ máy nhân sự có sự cồng kềnh và bị ràng buộc bởi quá nhiều quy định. Đã có lúc nhiều cá nhân trong Tập đoàn không dám sáng tạo vì lo sợ sai lầm dẫn đến thất bại. Điều này khiến bộ máy tổ chức của Viettel bắt đầu vận hành ì ạch và thụ động bởi những quy định bó cứng. Tuy nhiên gần đây Viettel đã ý thức được điều đó và khởi động một chương trình “khuyến khích mắc lỗi, trải nghiệm…”.
“Mình yêu Viettel bởi vì mình đã sinh ra nó, nó là đứa con của mình. Với những thế hệ tiếp sau tình yêu đó sẽ nhạt dần đi, do vậy, người lãnh đạo cần tạo ra những công việc mới để thế hệ sau được chứng tỏ, được trải nghiệm như thể chính họ đã sinh ra đứa con Viettel, để họ có thể yêu Viettel như chính mình. Trải qua thất bại nhưng có sự định hướng sẽ dẫn đến thành công. Điều này đã giúp tạo dựng được đội ngũ kế cận phát triển mạnh tại Tập đoàn như hiện nay”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, con người của Viettel phải có ý chí (của một người lính), biết chủ động vượt qua những khó khăn, thách thức. Yếu tố tài năng phải được tôi luyện qua quá trình thể hiện và trải nghiệm - làm nhiều để thành tài.
Điều quan trọng hơn nữa theo quan điểm của Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, người đứng đầu một tổ chức phải luôn ý thức được người nhân viên của mình có phù hợp với môi trường công việc hay không. Một tổ chức cần rất nhiều người khác nhau nên việc tuyển chọn nhân sự hết sức quan trọng.
“Với những người phù hợp với tổ chức thì không cần dạy họ nhiều lắm, tự họ sẽ giỏi nhưng nếu những người không phù hợp sẽ rất khó thay đổi. Nếu cố tình dùng người không phù hợp thì vô tình mình đã giết chết chính con người đó”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định./.