VASEP đề xuất giảm lãi suất ngắn hạn xuống dưới 7%
VOV.VN - Với đề xuất này, VASEP mong muốn doanh nghiệp, các đơn vị xuất khẩu có sân chơi công bằng hơn với các đối tác quốc tế.
Chi phí vốn 7-10% đối với doanh nghiệp xuất khẩu được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá là còn cao so với khu vực, khiến doanh nghiệp nội khó cạnh tranh. Nhiều ngoại tệ mất giá là một trong những nguyên nhân khiến giá thủy sản xuất khẩu Việt Nam đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Phó tổng thư ký VASEP - Nguyễn Hoài Nam cho biết, trước tình hình kim ngạch xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm sụt giảm mạnh ở cả 3 mặt hàng chủ lực (tôm, cá tra, cá ngừ) ở hầu hết thị trường, hiệp hội này đang tính đến nhiều giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp.
"Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là 7%, trung dài hạn 10% một năm. Mức này vẫn cao so với khu vực và quốc tế, đặc biệt doanh nghiệp khó cạnh tranh với khối FDI cùng ngành nghề", ông Nam nói.
Ông Nam nhận định từ nay đến cuối năm, đà giảm của đồng euro và một số ngoại tệ vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Do vậy, VASEP cho rằng thay vì neo tỷ giá tiền đồng với USD, cơ quan quản lý nên để nội tệ trong tương quan với một giỏ tiền tệ. Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm lãi cho khoản vay ngắn hạn dưới 7% sẽ giúp các doanh nghiệp có sân chơi công bằng với các đối tác quốc tế.
Trước đó, đến giữa tháng 3, tổng xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 1,061 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng xuất khẩu quí I đạt 1,27 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ. So với giá trị và mức tăng trưởng trong 5 năm qua, đây là mức sụt giảm mạnh nhất.
Theo lãnh đạo VASEP, giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện đang đắt hơn tại các thị trường chủ chốt do đồng euro và đồng yen mất giá tới hơn 20% từ giữa năm 2014 đến nay. Ngoài ra, trong khi tiền đồng vẫn neo giá so với USD thì đồng tiền của các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan được thả nổi khiến sản phẩm Việt Nam mất tính cạnh tranh./.