“Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP”
Khi TPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng tới 68 tỷ USD và GDP sẽ tăng thêm 20%.
Việt Nam có thể trở thành quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặc biệt là về đầu tư, việc làm và mức sống cho người dân. Khi TPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng tới 68 tỷ USD và GDP sẽ tăng thêm 20%.
Đây là những thông tin quan trọng được ông Michael Froman, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn.
***Thưa ông, các thành viên đàm phán, nhất là Mỹ đang hối thúc ký kết TPP. Vậy theo đánh giá của ông, TPP sẽ mang lại lợi ích gì lớn nhất cho Việt Nam?
Ông Michael Froman: Có những phân tích độc lập của những Viện khác nhau cho thấy, trong số các nước tham gia TPP thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Viện nghiên cứu Peterson - một Viện nghiên cứu độc lập ở Washington DC đã dự báo rằng, khi TPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tới 68 tỷ USD và GDP sẽ tăng thêm 20%.
Ông Michael Froman, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. |
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận với thị trường trị giá 15.000 tỷ USD của Mỹ và những thị trường như Canada, Mexico và Peru, trị giá khoảng 3.000 tỷ USD. Đây là những thị trường mà trước đây Việt Nam chưa được tiếp cận.
***Việt Nam cũng như Malaysia đang rất quan tâm tới vấn đề cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa DNNN và DN tư nhân cũng như vai trò của DNNN trong nền kinh tế theo quy định của TPP. Quan điểm của Hoa Kỳ như thế nào về vấn đề này?
Ông Michael Froman: Các DNNN đang đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng khi họ tham gia vào các hoạt động kinh tế và kinh doanh thì họ cũng phải có vai trò bình đẳng như các doanh nghiệp tư nhân và các DN khác, vì vậy chúng ta cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các DN. Đây chính là mục đích hàng đầu của Hiệp định TPP.
Đối với những DNNN làm về chính sách công hoặc các hoạt động xã hội thì đó không phải là mục tiêu của chúng ta. Mục tiêu của chúng ta là các DN kinh tế Nhà nước cũng phải chấp hành những kiểm soát, luật lệ và các quy định như các DN tư nhân.
Ở Việt Nam, tôi cũng hiểu là các DNNN có những vai trò rất lớn trong nền kinh tế. Vì vậy, mục đích của chuyến thăm của chúng tôi là làm việc với phía Việt Nam để nêu lên vấn đề này và cùng nhau giải quyết làm sao để cho các DNNN của Việt Nam chấp nhận những luật chơi chung.
***Chính quyền Obama đang thúc đẩy ký kết TPP, nhưng Thượng viện thì đang không thống nhất bởi khi ký TPP, các hàng rào thuế quan sẽ giảm xuống, thậm chí bằng 0. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến việc làm bên trong nước Mỹ. Việc này có ảnh hưởng như thế nào tới mục tiêu ký kết TPP vào cuối năm nay?
Ông Michael Froman: Các nhà lãnh đạo TPP đều đặt ra mục tiêu là kết thúc đàm phán vào năm nay. Đây là một mục tiêu rất tham vọng nhưng tất nhiên không phải nước nào cũng đồng ý ký một hiệp định tồi mà cốt chỉ để đạt được thời hạn chót đặt ra, mà điều quan trọng là nội dung, thực chất của hiệp định như thế nào mới quyết định việc hiệp định đi đến ký kết hay không.
Về Quốc hội Mỹ, tôi tin rằng, khi chúng ta đạt được một hiệp định tốt thì chúng tôi sẽ có khả năng để trình bày về những lợi ích do TPP mang lại như công ăn việc làm, tăng trưởng và các lĩnh vực sẽ mang lại lợi ích như sản xuất, xuất nhập khẩu hoặc nông nghiệp… điều đó sẽ có tác động tích cực lên Quốc hội và nếu chúng ta đạt được kết quả tốt, hiệp định tốt thì chúng tôi sẽ có khả năng thuyết phục được Quốc hội.
***Cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn!./.