Việt Nam và Mexico tăng cường hợp tác thương mại đầu tư dệt may
VOV.VN - Việt Nam và Mexico cùng tham gia Hiệp định TPP mở ra cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là công nghiệp dệt may.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có triển vọng mở rộng thị trường tại Mexico. Việc cùng tham gia Hiệp định TPP sẽ mở ra những cơ hội hợp tác cho cả hai bên. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Hợp tác thương mại đầu tư Dệt may Việt Nam-Mexico”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 23/8tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam và Mexico. |
Ông Alfonso Juan Ayub, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Dệt Quốc gia Mexico cho biết, Mexico bước mở đầu nghiên cứu về hợp tác đầu tư với Việt Nam. Mexico muốn tìm hiểu các doanh nghiệp Việt Nam cần gì, công nghiệp dệt may sẽ tiến tới đến đâu để tiến tới hợp tác với Việt Nam.
“Hiện tại giữa Mexico và Việt Nam chưa có nhiều hợp tác trong lĩnh vực dệt may. Trong khi hai nước cùng tham gia Hiệp định TPP nên Mexico hy vọng trong tương lai sẽ có sự hợp tác chặt chẽ với Việt Nam”, ông Alfonso Juan Ayub cho biết.
Theo nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường Mexico cũng là một thị trường tiềm năng. Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty May Hồ Gươm cho biết, mặc dù vận chuyển xa hơn so với thị trường Mỹ, nhưng bù lại, doanh nghiệp Việt Nam hiện có nhiều lợi thế hơn các doanh nghiệp khác cùng xuất khẩu sang Mexico như Trung Quốc, do thuế nhập khẩu thấp hơn. Nhiều doanh nghiệp đang muốn tìm kiếm đối tác, đơn hàng để mở rộng sang thị trường này.
Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các sản phẩm dệt may Việt Nam xuất sang Mexico có giá trị gia tăng cao hơn của các nước khác. Để mở rộng xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp cần tìm hiểu để có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, cần tìm hiểu các hiệp định thương mại, dòng thuế nhập khẩu, tập trung chất lượng và thời gian giao hàng.
“Doanh nghiệp cần chú ý điều kiện địa lý sẽ ảnh hưởng thời gian giao hàng và giá cả cạnh tranh. Doanh nghiệp cần chọn được dòng sản phẩm thế mạnh để có thể cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu vào Mexico. Hiện các dòng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này nguồn nguyên liệu còn hạn chế, tới đây nếu các doanh nghiệp Mexico đầu tư vào dệt nhuộm hoàn tất, doanh nghiệp trong nước có thể hy vọng đáp ứng được cả nhu cầu về nguồn cung thiếu hụt cho các doanh may và cả nhu cầu tiêu dùng của người dân Mexico trong thời gian tới”, ông Giang chỉ rõ.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với 14 doanh nghiệp Mexico để trao đổi khả năng hợp tác giữa hai bên. Theo chương trình, từ ngày 22-27/8, đoàn doanh nghiệp thuộc Phòng Công nghiệp dệt may quốc gia Mexico sẽ thăm 7 nhà máy và một khu công nghiệp dệt may nhằm phân tích và nghiên cứu quy trình từ sản xuất sợi đến các sản phẩm may mặc của Việt Nam./.