Vinalines không dễ để bị phạt 65,4 tỷ đồng
Đại diện Vinalines cho rằng, đơn vị này không thể ký hồ sơ thanh toán chưa hoàn thành, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Theo nguồn tin của báo Đầu tư, phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) buộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phải bồi thường cho nhà thầu thi công gói thầu 6b1, Dự án Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong là SK E&C số tiền lên tới 65,4 tỷ đồng, hoàn toàn không phải do lỗi đơn vị chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể, đây là khoản tiền mà cơ quan trọng tài buộc Vinalines phải thanh toán cho lô cọc thép 544 đoạn SPP mà SK E&C mang đến công trường trước khi Dự án bị dừng đột ngột để điều chỉnh chủ trương đầu tư vào năm 2012.
VIAC cho rằng, với cơ sở hồ sơ do SK E&C đệ trình, việc Vinalines đã không thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng khi từ chối thanh toán khối lượng cọc thép được nhập về Việt Nam và khi hạng mục đó đã có xác nhận của tư vấn giám sát.
Trước đó, để triển khai Dự án Cảng Vân Phong, vào tháng 10/2009, Vinalines và liên danh nhà thầu là SK E&C - Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) đã ký hợp đồng số 03/VP/2009/HĐ - HHVN thi công gói thầu số 6b1. Hợp đồng xây dựng cầu tàu này có giá trị gần 1.000 tỷ đồng và được khởi công vào tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công.
Nhiều thiết bị đang phơi nắng tại cảng Vân Phong. (Ảnh: TNO)
Ông Sơn cho biết, trong quá trình VIAC thụ lý vụ việc, Vinalines đã nộp đầy đủ tài liệu chứng minh, cũng như trình bày cụ thể tại các phiên xét xử, nhưng VIAC vẫn ra phán quyết buộc Tổng công ty phải thanh toán ngay giá trị lô cọc 544 đoạn SPP mà SK E&C tự mang đến công trường và tự tính giá, cũng như các khoản lãi phát sinh với số tiền tổng cộng hơn 65 tỷ đồng, sau khi đã khấu trừ trực tiếp khoản hơn 87 tỷ đồng tạm ứng trước đó cho nhà thầu này.
Vinalines cho rằng, VIAC ra phán quyết mà không căn cứ vào các quy định Hợp đồng về nghiệm thu và thanh toán. Cụ thể, SK E&C không hề có giá trị hoàn thành và kê khai thuế hàng tháng theo Điều 14.3 của Hợp đồng; không có hồ sơ thanh toán theo Điều 14.17; không có hồ sơ sản xuất lô cọc ống thép; không có biểu xác định giá lô cọc theo Điều 13.8.2/ĐKR Hợp đồng có xác nhận của chủ đầu tư.
"Tổng công ty luôn sẵn sàng thanh toán đầy đủ với phần việc mà nhà thầu đã thực hiện, theo đúng trình tự thủ tục, nên không thể nói chúng tôi đang có tranh chấp với SK E&C. Khi không có tranh chấp, thì đương nhiên, việc VIAC ra phán quyết cho vụ việc là điều không thật sự hợp tình, hợp lý", ông Vũ Quyết Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Hàng hải (thuộc Vinalines) cho biết.