Xe buýt “ế ẩm” vẫn lạc quan muốn chiếm lĩnh hành khách công cộng

VOV.VN - Đề án nêu rõ đến năm 2020 xe buýt vẫn là phương tiện vận tải khách công cộng chủ đạo tại một số đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM.

Thông tin từ Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Transerco cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, chỉ đạt trên 166 triệu lượt hành khách, bằng trên 90% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng hành khách sử dụng xe buýt đã bị sụt giảm nhẹ do hạ tầng đường sá chưa được đáp ứng, thường xảy ra ùn tắc, bên cạnh đó là tính kết nối chưa cao.

Hạ tầng giao thông đô thị quá tải khi vận tải hành khách bằng xe buýt phải cạnh tranh với các phương tiện cá nhân. (Ảnh minh họa: KT)
Còn tại TP HCM, khối lượng các tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 107 triệu lượt, giảm 12,13% so với cùng kỳ năm 2015. Khối lượng buýt không trợ giá trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 30,49 triệu lượt, giảm 10,85% so với cùng kỳ năm 2015, đa phần các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt đều có khối lượng vận chuyển giảm.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT nêu rõ khó khăn: Thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương đều có các chính sách nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như trợ giá; hỗ trợ lãi vay; miễn, giảm thuế nhập khẩu, phí...

Tuy nhiên, hầu hết các chính sách này mới chỉ tập trung vào việc mở rộng mạng lưới và gia tăng số lượng phương tiện tham gia của vận tải hành khách công cộng. Trong đó, một trong những yếu tố then chốt nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe buýt là chất lượng vận tải hành khách công cộng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…

“Một bộ phận khách hàng tiềm năng như công chức, viên chức, nhân viên văn phòng... vẫn chưa sử dụng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như phương thức đi lại hàng ngày do nhiều bất cập về chất lượng dịch vụ, việc không đảm bảo thời gian, lượng hành khách trong giờ cao điểm quá lớn”, ông Mười chỉ rõ những hạn chế.

Xe buýt phủ 80% vận tải công cộng nội đô

Mặc dù vận tải hành khách bằng xe buýt hiện nay mới đáp ứng được khoảng 7% - 10% nhu cầu đi lại của người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, nhưng mới đây, tại tờ trình Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) vẫn nhận định, đến năm 2020, xe buýt vẫn là phương tiện vận tải khách công cộng chủ đạo tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM.

Đề án của Viện Chiến lược và phát triển GTVT vẫn đưa ra những mục tiêu đầy tính khả quan. Cụ thể là, đối với Hà Nội và TP HCM, đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ mạng lưới tuyến xe buýt tại khu vực trung tâm đạt 80%, khu vực ngoại thành đạt 50%. Đối với Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, tỷ lệ bao phủ mạng lưới tuyến xe buýt tại khu vực trung tâm  đạt 60%, khu vực ngoại thành đạt 40%. Với các tỉnh, thành phố khác, đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ mạng lưới tuyến xe buýt đạt 40-50%.

Đề án cũng xác định, đến năm 2020 tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% tổng nhu cầu đi lại khu vực đô thị trung tâm, trong đó vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm nhận 10-15% tại TP Hà Nội. 

Còn tại TP HCM, mục tiêu hướng đến của đề án là tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2020 sẽ đáp ứng 20-25% tổng nhu cầu đi lại, trong đó vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm nhận 9-12%. Với các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng 5-10% tổng nhu cầu đi lại. Còn các tỉnh, thành phố khác tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng 1-3% tổng nhu cầu đi lại.

Giảm tuổi đời xe buýt để hút khách

Cho rằng trong giai đoạn tới, xe buýt vẫn được xác định là phương tiện vận tải công cộng chủ đạo, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đưa ra mục tiêu cần thiết phải nâng cao chất lượng, xây dựng lại luồng tuyến, chất lượng dịch vụ để thu hút người dân sử dụng. Do đó, phải quy hoạch mạng lưới xe buýt, áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nhằm thu hút người dân sử dụng dịch vụ.

Cụ thể, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đề xuất, cần nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng tiện nghi, an toàn, nhanh chóng với chi phí hợp lý, xây dựng hình ảnh xe buýt văn minh, thân thiện. Đi cùng với đó là việc phát triển mạng lưới đồng bộ, có hạ tầng kết nối thuận tiện với các công trình đầu mối như nhà ga, sân bay, bến xe... cũng như các loại hình vận tải công cộng, cá nhân khác như đường sắt đô thị, xe taxi, xe khách tuyến cố định...

Mặt khác, để nâng cao tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, tuổi đời bình quân của xe buýt không quá 8 năm tại TP Hà Nội và TP HCM. Tại các thành phố còn lại như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng tuổi đời xe buýt chỉ  là 10 năm và các tỉnh, thành phố khác không quá 12 năm. Đặc biệt, đi với các thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2020 đảm bảo 100% mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng vé điện tử và có hệ thống giám sát trực tuyến kết nối với hệ thống điểm dừng, nhà chờ, trạm trung chuyển.

Để đạt được những chỉ tiêu trên, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố cần có cơ chế, chính sách và giải pháp để phát triển đoàn xe buýt, nguồn nhân lực cũng như chính sách để áp dụng khoa học công nghệ…từ đó mới có thể thu hút và làm tăng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khai trương tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất vào thành phố
Khai trương tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất vào thành phố

VOV.VN - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa khai trương tuyến xe buýt không trợ giá số 49, lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất – Quận 1.

Khai trương tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất vào thành phố

Khai trương tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất vào thành phố

VOV.VN - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa khai trương tuyến xe buýt không trợ giá số 49, lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất – Quận 1.

Hà Nội lúng túng đưa xe buýt nhanh vào hoạt động?
Hà Nội lúng túng đưa xe buýt nhanh vào hoạt động?

VOV.VN -  Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội, chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, vận hành xe buýt nhanh nên đang đề xuất nghiên cứu, hỗ trợ chuyên gia vận hành.

Hà Nội lúng túng đưa xe buýt nhanh vào hoạt động?

Hà Nội lúng túng đưa xe buýt nhanh vào hoạt động?

VOV.VN -  Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội, chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, vận hành xe buýt nhanh nên đang đề xuất nghiên cứu, hỗ trợ chuyên gia vận hành.

TPHCM khai trương thêm tuyến xe buýt 5 sao
TPHCM khai trương thêm tuyến xe buýt 5 sao

VOV.VN - TP HCM vừa khai trương thêm tuyến xe buýt 5 sao từ sân bay Tân Sơn Nhất về Trung tâm thành phố.

TPHCM khai trương thêm tuyến xe buýt 5 sao

TPHCM khai trương thêm tuyến xe buýt 5 sao

VOV.VN - TP HCM vừa khai trương thêm tuyến xe buýt 5 sao từ sân bay Tân Sơn Nhất về Trung tâm thành phố.