Xử lý điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp quá ít kinh nghiệm
VOV.VN - Các doanh nghiệp trong nước còn thiếu kinh nghiệm ứng phó với các vấn đề phòng vệ thương mại, nhất là các vụ việc xảy ra ở nước ngoài.
Tại hội thảo “Kinh nghiệm xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Australia” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 29/9, các ý kiến từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ những quy định pháp luật cũng như những khó khăn, kinh nghiệm trong việc xử lý điều tra phòng vệ thương mại.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen nêu thực trạng, hiện nguồn nhân lực có kinh nghiệm về phòng vệ thương mại tại các doanh nghiệp trong nước còn rất khan hiếm. Trong khi có rất ít văn phòng luật sư trong nước có kinh nghiệm ứng phó với các vấn đề phòng vệ thương mại, nhất là các vụ việc xảy ra ở nước ngoài.
Nhiều ý kiến đưa ra tại Hội thảo “Kinh nghiệm xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Australia”. |
Theo ông Thanh, để giải quyết thực trạng này, Tập đoàn Hoa Sen đã lựa chọn luật sư tại quốc gia bản xứ, có liên kết với văn phòng luật sư tại Việt Nam, đồng thời thành lập bộ phận chuyên xử lý các vấn đề phòng vệ thương mại, đào tạo và tuyển dụng lâu dài...
Đồng thời, các doanh nghiệp cần hợp tác, cung cấp đầy đủ và minh bạch các thông tin số liệu khi được yêu cầu; tìm hiểu kỹ các quy định, định nghĩa khi trả lời câu hỏi; các số liệu cần phải lưu trữ tối thiểu 5 năm theo quy định để có thể dễ dàng truy xuất khi cần thiết cung cấp.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, trong 2 năm gần đây, Australia đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại với các sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã kháng kiện tốt 2 vụ kiện gần đây với mặt hàng nhôm ép và thép mạ.
Ông Nam cho rằng, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong đáp ứng các yêu cầu, nghĩa vụ phòng vệ, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động trong phòng vệ tránh để thua kiện.
Theo Luật sư Đinh Ánh Tuyết, văn phòng luật sư IDVN, có rất nhiều thách thức trong kháng kiện điều tra phòng vệ thương mại tại Australia. Để có thể kháng kiện thành công, Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng các cáo buộc của nguyên đơn về các chương trình trợ cấp; từ đó có sự phối hợp chặt giữa các bộ, ngành, hiệp hội trong cung cấp thông tin và giải trình các chương trình bị cáo buộc cho cơ quan điều tra Australia.
Riêng đối với doanh nghiệp, Luật sư Đinh Ánh Tuyết cũng lưu ý, cẩn trọng và phân tích kỹ lượng bản câu hỏi, cáo buộc của nguyên đơn và các dữ kiện thực tế để xây dựng chiến lược thích hợp trước và trong khi chuẩn bị bản trả lời và báo cáo số liệu; Hợp tác nhanh chóng và đầy đủ với luật sư của Chính phủ trong việc cung cấp thông tin, số liệu...
“Với mỗi doanh nghiệp đang bị điều tra áp thuế, điều đầu tiên phải tự vệ, phải cung cấp thông tin, nộp hồ sơ đúng hạn, hợp tác để thẩm tra. Một trong những điều mà phía Australia không chấp nhận là số liệu không điều tra được, không thẩm tra, hay số liệu khai gian dối, khai sai... khiến họ sẽ áp vào một số liệu khác, điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước”, Luật sư Đinh Ánh Tuyết nêu rõ.../.
Thành lập Cục Phòng vệ thương mại tại Bộ Công Thương