Xuất khẩu thuốc lá ngày càng được mở rộng

VOV.VN - Nhiều sản phẩm thuốc lá Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Phi.

Một ha cây thuốc lá giải quyết việc làm cho 500 công lao động

Kể từ khi Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam ra đời (năm 1989), các doanh nghiệp thuốc lá đã song hành với người nông dân, nghiên cứu giống, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, từ đó đã tạo ra những thay đổi căn bản vùng nguyên liệu thuốc lá. Đến nay, đã hình thành được các vùng trồng nguyên liệu tập trung, ổn định, có năng suất cao, chất lượng tốt, dần thay thế được nguyên liệu nhập khẩu, và được các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu trong nước đưa vào sử dụng với tỷ lệ khoảng 60%.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
và Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội
Cây thuốc lá đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao đời sống cho người nông dân. Một ha thuốc lá có thể giải quyết việc làm cho 500 công lao động nông nghiệp trong một vụ. Chính vì vậy, đối với những vùng sâu, vùng xa, cây thuốc lá được đánh giá là cây xoá đói giảm nghèo đối với những hộ nghèo và là cây để làm giàu đối với những hộ nông dân tại các vùng chuyên canh thuốc lá, góp phần cải thiện kinh tế xã hội tại địa phương và tham gia thực hiện chủ trương phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng tại các tỉnh biên giới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã kết hợp với chính quyền địa phương tại các vùng trồng thuốc lá đầu tư cơ sở hạ tầng như: đầu tư và cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học..., thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội như: trồng rừng, các chương trình dạy nghề, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Xuất khẩu thuốc lá ngày càng được mở rộng 

Trong 25 năm qua, Hiệp hội TLVN đã nộp ngân sách tăng trung bình hàng năm là 20%/năm, gấp 191,6 lần sau 25 năm. Năm 1989 toàn ngành nộp NSNN 100,5 tỷ đồng, tương đương 18 triệu USD, đến năm 2013 con số nộp NSNN đã tăng lên 19.562,3 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD; trong đó 6 doanh nghiệp hội viên nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm và đều giữ vị trí chủ yếu nộp ngân sách của địa phương (TCT Công nghiệp Sài gòn, TCT Khánh Việt, Vinataba Sài gòn, Vinataba Thăng Long, TCT CNTP Đồng Nai, Vinataba – Philip Morris).

Xuất khẩu thuốc lá ngày càng được mở rộng về quy mô và kim ngạch. Các doanh nghiệp thuốc lá nội địa đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chủ động hợp tác với các đối tác, bạn hàng quốc tế để tăng dần sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Nhiều sản phẩm thuốc lá Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Phi. Nếu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 64 triệu USD thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên 185,6 triệu USD, tăng trưởng bình quân 19,4%/năm; trong đó Tổ hợp Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, bình quân 22,6%/ năm trong giai đoạn 2009-2013, đến nay đã đạt trên 160 triệu USD.

Các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã từng bước đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, chuyển đổi nhanh chóng sang cơ giới hóa và tự động hóa, góp phần tăng sản lượng, năng suất và hiệu quả SXKD của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, ngành thuốc lá Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó lớn nhất hiện nay là thuốc lá lậu. Không chỉ riêng Hiệp hội mà tất cả các cơ quan nhà nước đều đang nỗ lực để từng bước đẩy lùi thuốc lá nhập lậu. Thuốc lá nhập lậu thường được vận chuyển qua đường biên giới Tây Nam (chủ yếu) và biên giới phía Đông Bắc nước ta, qua “tạm nhập, tái xuất”, và nhiều hình thức khác đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của ngành, đến an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Từ con số khoảng 400 triệu bao vào đầu năm 2000, đến năm 2013 lượng thuốc lá nhập lậu vào nước ta đã lên tới 850 triệu bao (chiếm khoảng 20% thị phần nội tiêu, làm thất thu ngân sách Nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng/năm). Sau khi thuốc lá sản xuất trong nước áp dụng in cảnh báo bằng hình ảnh 50% theo quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá thì thuốc lá lậu tăng đột biến.

Theo số liệu khảo sát của AC NIELSEN, thị phần thuốc lá lậu đã tăng lên 30-40% trong 6 tháng đầu năm 2014, chiếm 25,3% thị phần. Có thể nói thuốc lá lậu đã tăng đột biến cả về số lượng, chủng loại và địa bàn. 

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội. Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

Là một trong những hiệp hội ngành nghề ra đời đầu tiên của cả nước, 25 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã thực sự trở thành cầu nối và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thuốc lá, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trải qua 6 kỳ đại hội, Hiệp hội đã từng bước ổn định, củng cố tổ chức, phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Số lượng hội viên đã tăng lên nhanh chóng, từ 25 hội viên ban đầu đến nay đã bao gồm 64 hội viên, tập hợp được hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực thuốc lá: sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, thuốc lá điếu, dịch vụ thương mại … gồm các thành phần kinh tế Nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài.

Hiệp hội đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba; được Chính phủ, Bộ Công Thương tặng nhiều bằng khen./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngành thuốc lá tiếp tục gặp khó trong năm nay
Ngành thuốc lá tiếp tục gặp khó trong năm nay

VOV.VN -Bên cạnh tình trạng thuốc lá lậu vẫn diễn biến phức tạp, xu thế kiểm soát thuốc lá trong nước ngày càng chặt hơn.

Ngành thuốc lá tiếp tục gặp khó trong năm nay

Ngành thuốc lá tiếp tục gặp khó trong năm nay

VOV.VN -Bên cạnh tình trạng thuốc lá lậu vẫn diễn biến phức tạp, xu thế kiểm soát thuốc lá trong nước ngày càng chặt hơn.