Doanh nhân cần một môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi
VOV.VN - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cần tranh thủ cơ hội và thời cơ.
Năm nay là năm thứ 10 kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định cho phép lấy ngày 13/10 hằng năm làm ngày Doanh nhân.
Ngày Doanh nhân Việt Nam đã đánh dấu sự thay đổi tư duy trong suốt quá trình đổi mới của kinh tế Việt Nam. 10 năm qua, đội ngũ doanh nghiệp- doanh nhân của đất nước đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng đi lên. Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, đội ngũ này cũng có không ít trăn trở.
Theo thống kê mới đây, ngoài 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, riêng khối doanh nghiệp đã thu hút khoảng 11 triệu lao động, trong đó lao động làm việc ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm hơn 60%.
Ông Vũ Tiến Lộc nói: 10 năm qua cũng là chặng đường đầy gian nan của doanh nghiệp, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, có thời điểm có tới 60- 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn trụ vững. Sự sàng lọc của cuộc khủng hoảng đã giúp doanh nghiệp định vị lại mình điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, chăm lo quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro, củng cố những nền tảng của phát triển, qua sóng gió các doanh nhân Việt đã cẩn trọng hơn, trưởng thành hơn
Trong bối cảnh không nhiều thuận lợi của nền kinh tế, song thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: tính đến tháng 1/2014, cả nước đã có trên 750.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp. Riêng trong giai đoạn 5 năm từ 2009-2013, cả nước có trên 390.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm trên 51% số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ 1991 đến nay. Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, sắp tới nhiều Hiệp định quan trọng được ký kết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, Chính phủ cần có những cải cách về thể chế phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam cho rằng: doanh nghiệp đang kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhằm tạo cơ hội cho hàng triệu người dân muốn tham gia kinh doanh: Cộng đồng doanh nghiệp của chúng tôi rất mong muốn có sự đột phá về thể chế phải đi trước một bước. Đây là một trong 3 đột phá mà Đảng và nhà nước ta xác định là trọng tâm cần phải hướng tới. Mặc dù hiện tại doanh nghiệp phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể trụ vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nói chung nhưng một niềm tin vào cải cách thể chế và niền tin vào môi trường kinh doanh thuận lợi hơn tốt đẹp hơn vẫn còn đang ở phía trước.
Nhận định về tương lai của đội ngũ doanh nhân ở Việt Nam, bà Victoria Kwakwa - Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: doanh nhân Việt Nam sẽ còn nhiều điều kiện phát triển khi mà kinh tế toàn cầu đang trên đà hồi phục, Việt Nam lại nằm trong khu vực phát triển năng động nhất, nhu cầu trong nước và niềm tin người tiêu dùng có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa về cải thiện môi trường đầu tư và các chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Bà Victoria Kwakwa nói: “Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm chín muồi có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân đặc biệt là các doanh nghiệp của Việt Nam để phát triển và tận dụng những cơ hội. Chính phủ cần có chính sách tạo thuận lợi cho sự kết nối giữa khu vực tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước để tạo những hệ tác động lan tỏa, chẳng hạn như phát triển những cụm công nghiệp… Doanh nhân Việt Nam cần phải có tầm nhìn cao hơn nữa và mạnh dạn hơn để sao cho doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh hơn, chuyên nghiệp hơn và quy mô lớn hơn. ác bạn có tầm nhìn xa hơn nữa về đầu tư xây dựng nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng năng lực để vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Mới đây, phát biểu tại diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2014, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: Để có thể phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cần thể hiện bản lĩnh của mình để có thể ứng phó với mọi tình huống.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hơn lúc nào hết cần tranh thủ thời cơ, nắm bắt các quan hệ thị trường, cung - cầu, hợp tác, cạnh tranh để phát triển. Muốn vận dụng đúng, sáng tạo các quy luật kinh tế trong kinh doanh, phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ quản lý, mức độ tinh thông nghề nghiệp để có thể ứng phó với mọi tình huống.
Với sứ mệnh của mình, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đang hướng tới hai mục tiêu cần đạt được trong vòng 10 năm tới là: Có được một triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có một số doanh nhân, doanh nghiệp, sản phẩm có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để vươn lên thành một cộng đồng bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng: cần có một môi trường kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho doanh nhân phát triển, một trong những động lực của quá trình phát triển đất nước./.