Đổi đất lấy hạ tầng: Phải đấu thầu công khai
VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải chấm dứt đổi đất lấy hạ tầng, minh bạch các khoản đầu tư, đấu thầu đất công khai thay vì đổi chác như hiện nay
Như đã đề cập ở bài trước, hàng loạt sai phạm của các dự án BT gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo lỗ hổng gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Khung pháp luật lỏng lẻo
Theo PGS. TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, lỗ hổng lớn nhất dẫn tới hàng loạt sai phạm trong các dự án BT là do khung pháp luật về BT hiện quá lỏng lẻo.
Dự án BT đường trục phát triển phía Nam chưa bàn giao nhiều đoạn đã hỏng (Ảnh minh họa: KT) |
Cụ thể, Nghị định 15/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có 5 nội dung liên quan tới dự án BT được quy định. Tuy nhiên, khi phân tích về khía cạnh chi phí - lợi ích khi thực hiện Nghị định này, ông Võ cho biết, có rất nhiều bất lợi cho Nhà nước.
“Về nguyên tắc, đất đai trả cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện sau khi công trình hạ tầng đã được hoàn thành, nghiệm thu về chất lượng, quyết toán tài chính và kiểm toán độc lập vì lúc đó mới biết rõ giá trị cụ thể. Nghị định 15 cho phép thực hiện ngay trong lúc đang triển khai xây dựng công trình hạ tầng tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư dự án BT. Quy định như vậy chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất lớn và khả năng thất thoát tài sản đất đai hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế”, ông Võ nêu rõ.
Lấy ví dụ dự án Khu đô thị Thanh Hà do Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư với 41km đường từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín, Hà Nội). Nhà nước trả cho nhà đầu tư (NĐT) các khu đất để xây Khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng, nhưng sau 9 năm thực hiện, dự án chỉ xây dựng được 12km đường còn đất đai đối ứng đã được bán cho chủ đầu tư khác. “Việc trả đất đai cho nhà đầu tư dự án BT trước khi hoàn thành công trình hạ tầng thì tại sao không đấu giá đất để lấy tiền xây dựng công trình hạ tầng?”, ông Võ đặt câu hỏi.
Còn tại Luật Đất đai 2013, chỉ có Khoản 3 Điều 155 (Đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất để thực hiện dự án BT và dự án BOT) quy định về việc Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án, ngoài ra không có quy định cụ thể nào về đất đai, loại đất, giá trị đất đai để trả cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án BT.
“Đang tồn tại một khoảng trống pháp luật rất lớn về dự án BT tại Luật Đất đai, trong khi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác về dự án BT lại cứ quy chiếu về việc thực hiện theo quy định của Luật Đất đai”, ông Võ cho biết.
Theo ông Võ, có rất nhiều dự án hưởng lợi từ bất cập này. Ví dụ như ở Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh), NĐT làm con đường ra đảo và lại được đổi bằng chính quỹ đất ở trên đảo.
“Việc cho NĐT làm con đường ra đảo rồi lại đổi lấy đất ở đảo là không hợp lý. Đáng lẽ, Nhà nước phải đổi đất chỗ khác cho NĐT, chứ không thể để NĐT làm con đường ra đảo để tạo điều kiện đất ở đảo tăng giá lên. Tương tự, rất nhiều nơi cho NĐT làm đường rồi đổi đất ở ngay hai bên đường đó”, ông Võ chỉ rõ.
PGS Đặng Hùng Võ cho rằng, tất cả phần giá trị đổi chác được quy định hoàn toàn thiếu minh bạch và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP lại trao toàn quyền cho Bộ Tài chính quyết định. Thể chế này chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất cao.
“Quy định cũng có nhiều nhưng vẫn tồn tại các khoảng trống pháp luật khi các quy định như vậy vẫn chỉ ở dạng quy định chung, trong khi rất cần một khung pháp luật cụ thể về xác định giá trị công trình hạ tầng và xác định giá trị đất đai phải trả cho nhà đầu tư. Đó là những lỗ hổng rất lớn mà nếu có làm tiếp hình thức BT, chúng ta phải cần rất nhiều công sức để bịt hết những lỗ hổng này, xây dựng một hệ thống pháp luật tốt thì mới ngăn ngừa được tham nhũng”, PGS Đặng Hùng Võ nhận định.
Bán đất thay vì đổi đất
Theo PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bản thân BT không phải hình thức đầu tư xấu. Trên thế giới, đây là hình thức đầu tư phổ biến và ưu việt, nhằm đỡ gánh nặng ngân sách nhà nước, tạo ra các công trình phục vụ lợi ích công cộng. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại bị bóp méo, “đội lốt” thành chính sách để phục vụ lợi ích của 1 nhóm nào đó lợi dụng những nguồn lực của nhà nước cho mục đích riêng. Bên cạnh những hậu quả về mặt tài chính, lãng phí nguồn lực, thất thoát “đất vàng” của Nhà nước, điều nguy hại hơn là còn tạo ra tình trạng bất ổn xã hội như khiếu kiện, mất niềm tin của xã hội.
Dự án BT xây dựng đường trục phía nam Hà Nội do Cienco 5 làm chủ đầu tư (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, PGS Hoàng Văn Cường cho rằng, không nên vì hậu quả trong thời gian vừa qua mà bỏ đi phương thức đầu tư này. Song, để triển khai có hiệu quả, điều mấu chốt là phải thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ những định giá của thị trường.
“Phải đưa ra đấu thầu công khai để ai trả giá cho dự án thấp nhất thì người đó được làm, như vậy, không còn chuyện anh tự lập rồi tâng giá lên bao nhiêu, anh làm thế nào kệ anh, miễn là anh có tiền làm dự án thấp nhất thì anh được hưởng. Thứ hai, khi Nhà nước thanh toán tiền lại cho dự án đó, không nhất thiết phải là đất, có thể là đất, có thể là nguồn tiền nào đó. Nếu lấy từ quỹ đất thì phải thực hiện đấu thầu dự án đất đó và công khai lên thị trường. Như vậy, khi ngang giá với nhau thì sẽ không còn tiêu cực xảy ra”, ông Cường nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để minh bạch các khoản đầu tư, nên bán đất một cách công khai thay vì đổi đất lấy hạ tầng như hiện nay.
“Không nên tiếp tục đổi đất lấy công trình nữa. Tại sao chúng ta phải đổi đất, trong khi chúng ta có thể bán đất một cách công khai, minh bạch, sau đó lấy tiền đem đi đầu tư?”, TS Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để có cơ chế BT minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước và NĐT, về nguyên tắc đầu xây dựng thì đấu thầu rộng rãi, còn đầu chuyển giao thì đấu giá công khai. Như vậy sẽ tạo được sự rõ ràng, minh bạch và triệt tiêu được địa tô ở khâu trung gian và lợi ích nhóm xung quanh./.
Bài viết cùng loạt bài: Đổi đất lấy hạ tầng
Bài 1: Lỗi kép, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng
Bài 2: Phải đấu thầu công khai
Cần bịt lỗ hổng lớn trong cơ chế đổi đất lấy hạ tầng
Mọi “lỗ hổng” quản lý dự án BOT và BT là gánh nặng đổ đầu người dân