Đổi đời từ cây thanh long
VOV.VN -Thanh long là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều nông dân trong của.Bình Thuận
Tỉnh Bình Thuận được coi là thủ phủ cây thanh long trong cả nước. Đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều nông dân trong tỉnh.
Từ Tết Nguyên đán đến nay người trồng thanh long đang rất phấn khởi vì giá thanh long đang ở mức cao, diện tích thanh long của tỉnh cũng liên tục mở rộng. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu phấn khởi đó cũng tiềm ẩn những nguy cơ về sự bất thường của giá thanh long cũng như cần phải tìm ra hướng đi bền vững cho loại cây này.
Trong năm 2013 giá thanh long tăng cao, giá bình quân chính vụ hơn 13.000 đồng/kg, trái vụ hơn 17.000 đồng/kg. Đến đầu năm 2014 này, nhất là sau Tết Nguyên đán, giá thanh long được đẩy lên từ 27- 30 ngàn đồng/kí. Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, mức giá cao và duy trì lâu dài là bởi người trồng thanh long đã biết rải vụ, không để sản lượng quá lớn ở một thời điểm, qua đó giúp cho cây thanh long trở thành loại cây ưu việt hơn hẳn các loại nông sản khác.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết: “Trước đây vào vụ mùa thì thanh long dồn dập, sản lượng rất lớn tiêu thụ không hết, giá hạ xuống còn 3.000- 5.000 đồng/kg, nhưng hiện nay rải vụ tốt giá cả luôn ở mức cao. So sánh các sản phẩm nông nghiệp khác thì có lẽ không có sản phẩm nào có lợi nhuận bằng sản xuất thanh long. Ví dụ với giá 20.000 đồng/kg, năng suất 30 tấn, người dân thu nhập 600 triệu đồng/ha và trừ chi phí lãi 200- 300 triệu đồng/ha”.
Điều đáng mừng là người trồng thanh long Bình Thuận hiện nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, sử dụng đèn compact, đầu tư thâm canh và phân bón hợp lý... Đến nay đã có khoảng 12.000 hecta thanh long được kéo điện để chong đèn cho ra quả trái vụ. Nhiều nhà vườn đã biết chú trọng sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đến cuối năm 2013, đã có hơn 7.300 hecta của 381 cơ sở được cấp chứng nhận, đạt 104% kế hoạch năm, ngoài ra còn có 10 đơn vị với hơn 220 hecta được cấp chứng nhận GlobalGAP. Nhiều hộ đã có được cơ ngơi khang trang từ những vườn thanh long…
Theo ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận: “Người nông dân của Bình Thuận đều ý thức được mệnh lệnh của thị trường. Thị trường mua như thế nào người ta sản xuất nấy. Hầu hết người trồng đều hiểu và ý thức an toàn vệ sinh thực phẩm là lý do để sản xuất bền vững thanh long”.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết gia đình ông vừa bán một đợt thanh long cách đây mấy ngày và thu được gần 100 triệu đồng. Vườn thanh long đã góp phần đưa gia đình ông trở nên khá giả. Tuy có những lúc giá cả bấp bênh, nhưng quyết định bám trụ với cây thanh long của gia đình ông bây giờ đã được khẳng định đúng đắn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, mỗi năm sản lượng thanh long xuất khẩu từ 320 - 340 ngàn tấn, bao gồm xuất khẩu chính ngạch và mua bán biên mậu (tiểu ngạch) với thương nhân Trung Quốc. Trong năm 2013, xuất khẩu chính ngạch đạt gần 26.000 tấn, giảm gần 10.000 tấn so với năm trước nhưng giá trị xuất khẩu tăng hơn 1,7 triệu USD, đạt hơn 22,6 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chính là các nước khu vực châu Á, châu Âu đến châu Mỹ… Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của thanh long Bình Thuận. Việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua thị trường này chiếm đến hơn 70% sản lượng thanh long của tỉnh./.