Kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm:

Đối mặt với thâm hụt thương mại và lạm phát

Thâm hụt thương mại Việt Nam đã nới rộng trong những tháng gần đây với tỷ lệ tăng là 1,5 tỷ USD/tháng. Lạm phát được kiểm soát tốt nhưng vẫn có những lo ngại về nguy cơ giá cả hàng hóa tăng cao.

Với sự hỗ trợ tích cực của các chính sách tài khóa và nhu cầu trong nước điều chỉnh mạnh, Việt Nam đã bước đầu vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu một cách tương đối tốt. Nhìn lại tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam trong 3 quí vừa qua thì thấy, GDP quí sau luôn khá hơn quí trước.  Quí I, GDP đạt 3,1%;  quí II, GDP đạt 4,46% và quí III, GDP đạt 5,76%.

Theo số liệu chính thức, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm trước không bị tác động nhiều. Số liệu tăng trưởng GDP mới nhất trong quý 3 năm 2009 cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi khá vững chắc mặc dù xuất khẩu vẫn còn chậm.

Mặc dù đã có những đánh giá lạc quan hơn về nền kinh tế Việt Nam, nhưng những nguy cơ dần xuất hiện lại không hề giống với những gì đã gặp phải trong năm 2008.

Thu hẹp thâm hụt thương mại

Theo ông Tai Hui - Chuyên gia phân tích, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á (Standard Chartered Bank - SCB): Với thâm hụt thương mại nới rộng trong những tháng gần đây chỉ ra sự mất cân bằng giữa tiềm năng nội lực và điểm yếu bên ngoài.

Chia sẻ quan điểm này, TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, diễn biến của khủng hoảng kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu được cải thiện nhanh chóng, nên khả năng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn những khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu năm nay của Việt Nam có thể giảm trên dưới 10% so với năm 2008. “Không nên quá coi trọng quy mô tăng trưởng xuất khẩu, mà cần đặt trọng tâm vào hiệu quả xuất khẩu. Việc tăng quy mô xuất khẩu bằng mọi giá trong bối cảnh thâm hụt thương mại cao sẽ tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế”.

Phân tích rõ hơn về lạm phát, ông Tai Hui cho rằng, trong khi lạm phát hiện nay vẫn đang được kiềm chế so với cùng kỳ năm trước và cả với tháng trước, thì những động thái kích thích tiền tệ và tài khóa mạnh mẽ khiến người ta hy vọng rằng lạm phát có thể tự điều chỉnh. Trong những tháng gần đây, Việt Nam đã phục hồi 1% giá trị VND so với đồng USD, đây là một lập trường chính sách vững chắc được thông qua trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2007. Với tình trạng suy giảm thặng dư bên ngoài cho thấy khuynh hướng của chính phủ là sử dụng tỷ giá mạnh hơn nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại.  

Nhiều người lo ngại giá cả hàng hoá sẽ làm tăng CPI

Mặc dù lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, bên cạnh đó vẫn có những lo ngại rất đáng quan tâm về nguy cơ giá cả hàng hóa tăng cao do Ngân hàng Nhà nuớc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Lạm phát đã giảm xuống 2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ lên 2,4% trong tháng 9. Khi những tác động của lãi suất cao trong năm trước dần lộ ra, theo dự đoán của SCB lạm phát sẽ gia tăng lên mức 6,6% vào cuối năm 2009. Trong khi đó, tốc độ tăng lạm phát tháng sau so với tháng trước cũng chỉ ở mức khiêm tốn (0,24% trong tháng 8 và 0,62% trong tháng 9). Xét theo từng lĩnh vực công nghiệp, giao thông và truyền thông (đóng góp 9% vào CPI) đang chịu áp lực giá tăng cao. Tuy nhiên, hai ngành có tốc độ lạm phát cao nhất, thực phẩm và nhà ở (chiếm tương ứng 43% và 10% trong giỏ CPI), có vẻ như đang giới hạn đà tăng giá.

Gánh nặng đè lên chính sách tiền tệ

Ngay tại thời điểm này, tuy lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp song nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại lạm phát đang gây áp lực mạnh lên lãi suất và tỷ giá hối đoái, cộng thêm mức thâm hụt thương mại vẫn cao trong điều kiện kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh… là những yếu tố tiềm tàng gây bất ổn cho nền kinh tế.

Trước những khó khăn của nền kinh tế, nhiều người nghĩ đến việc cần thiết phải sử dụng gói kích thích kinh tế thứ hai. Tuy nhiên, theo PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ngân sách nước ta là ngân sách “trường kỳ thâm hụt”. Trong hàng chục năm, ngân sách Nhà nước thường xuyên thâm hụt khoảng 5% GDP/năm, cộng với hiệu quả đầu tư công thấp (biểu lộ một cách đơn giản qua chỉ số ICOR cao). Tình trạng này đang khoét sâu sự yếu kém cơ cấu và tích đọng các nguy cơ mất cân đối vĩ mô. Việc tiếp tục thực hiện gói kích cầu thứ hai đồng nghĩa với việc sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách cho năm sau, vượt qua mức “trường kỳ” vốn có. Tuy năm nay thâm hụt ngân sách ước đoán (6,5% GDP) sẽ thấp hơn đáng kể so với mức Quốc hội cho phép (8%) GDP, do lượng tiền kích cầu chưa bơm ra nhiều. Song không phải vì thế mà đặt vấn đề ngân sách năm 2010 được phép chi tiêu kích cầu “bù” một cách dễ dàng. Tác động mạnh nhất của gói kích cầu 1 tập trung ở gói cho vay hỗ trợ lãi suất 4%. Thế nhưng, xét về thực chất đây là gói “giải cứu” chứ không phải là gói kích cầu. Gói này đã giải thoát nhiều doanh nghiệp khỏi tình trạng “ách tắc” lưu thông vốn do gánh nặng nợ xấu.  

Cần chính sách tiền tệ linh hoạt

TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc nên hay không nên tiếp tục có gói kích cầu thứ hai. Bởi theo ông Thiên, nếu tiếp tục kích cầu, hậu quả không chỉ là thâm hụt ngân sách tăng, các cân bằng tiền tệ chịu áp lực lớn mà nghiêm trọng không kém là sự tổn hại cơ chế, thúc đẩy xu hướng phục hồi môi trường kinh doanh bất bình đẳng, có hại lâu dài cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, liên quan đến chính sách tiền tệ, ông Tai Hui bày to lo ngại về hiệu quả của động thái tăng lãi suất trong việc kiểm soát hoạt động kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã tập trung vào việc kiểm soát số lượng các khoản vay và cung ứng tiền hơn là chi phí vay. Hơn nữa, việc tăng lãi suất bây giờ sẽ đi ngược lại gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã được triển khai từ đầu năm 2009. Theo đó, người đi vay có quyền được hưởng trợ cấp lãi suất 4% khoản vay của họ. “Do vậy, chúng tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quản lý thanh khoản và lạm phát thông qua số lượng các khoản vay hơn là chi phí vay” – ông Tai Hui nói.

Còn theo TS Hoàng Xuân Quế - Chủ nhiệm Khoa Ngân hàng – Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt. Cần coi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là định hướng chứ không phải mệnh lệnh hành chính. Về nguyên tắc, ngân hàng thương mại không từ chối nhu cầu vay vốn hợp lý của hộ sản xuất, doanh nghiệp. Không nên vì khống chế tăng trưởng dư nợ mà chi nhánh ngân hàng thương mại phải từ chối hoặc không giải ngân cho khách. Đặc biệt, ngân hàng cần đảm bảo đủ vốn cho nhu cầu thu mua nông sản, thuỷ hải sản cho xuất khẩu, cho sản xuất nông nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên