Đối tác công - tư: Vốn nhà nước tham gia không quá 50% dự án
VOV.VN-Đây là quy định trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư đang được Bộ KHĐT lấy ý kiến.
Theo Dự thảo Nghị định này, đầu tư theo hình thức đối tác công –tư (PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực theo quy định.
9 lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP
Về lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP, dự thảo Nghị định quy định gồm các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công trong 9 lĩnh vực.
Đầu tư theo PPP thuộc lĩnh vực công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công (Ảnh: Dantri) |
Cụ thể: 1, Đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, bến xe, hạ tầng giao thông đô thị; 2, Đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt, nhà ga đường sắt; 3, Cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, cảng dịch vụ hậu cần, cảng cạn; 4, Hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải, công trình thủy lợi;
5, Nhà máy điện, đường dây tải điện, cơ sở sản xuất năng lượng; 6, Các công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao và trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; 7, Hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, viễn thông; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng sản xuất nông nghiệp; trung tâm thương mại, chợ, kho tàng và phương tiện bảo quản hàng hóa;
8, Nhà ở xã hội, công viên, khu vui chơi, giải trí công cộng; nghĩa trang; 9, Các công trình kết cấu hạ tầng khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Nhà nước tham gia không quá 50% vốn đầu tư dự án
Về nguồn vốn thực hiện dự án theo hình thức PPP, dự thảo Nghị định này quy định: Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn vay thương mại để thực hiện Dự án.
Riêng phần tham gia của Nhà nước được xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Trong đó, tổng giá trị phần tham gia của Nhà nước để tăng tính khả thi về tài chính của Dự án tối đa không quá 50% tổng vốn đầu tư của Dự án tùy thuộc đặc điểm, tính chất và hình thức Hợp đồng dự án.
Dự án sử dụng phần tham gia của nhà nước phải đáp ứng các điều kiện: Không có khả năng thu hồi vốn cho Nhà đầu tư từ nguồn thu hợp lý của người sử dụng hoặc đã xem xét tất cả các hình thức hỗ trợ nhằm tăng tính khả thi về tài chính của Dự án nhưng không có phương án hiệu quả;
Tổng giá trị vốn góp và vốn huy động của Nhà đầu tư chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư của Dự án; Nguồn vốn nhà nước trong phần tham gia của nhà nước chỉ được sử dụng để bổ sung chi phí đầu tư xây dựng Công trình dự án;
Nhà đầu tư thực hiện Dự án thuộc Danh mục dự án đã công bố và được lựa chọn theo hình thức đấu thầu; Đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các điều kiện khác tùy thuộc đặc điểm, tính chất và hình thức Hợp đồng dự án./.