Dong riềng Điện Biên: Đầu ra chưa ổn định đã gây ô nhiễm môi trường
VOV.VN - Hiện, 1 kg củ dong riềng tươi có giá bán từ 1.300 -1.500 đồng/kg, bằng 1/2 so với cùng kỳ với các năm trước.
Dong riềng từng là loại cây xóa đói giảm nghèo đối với người dân các xã vùng ngoài của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Năm nay, dù được mùa, nhưng giá thành giảm mạnh, nên người trồng Dong riềng rất khó tìm đầu ra cho sản phẩm.
Mặt khác, nhiều cơ sở thu mua, chế biến Dong Riềng trên địa bàn không tuân thủ các quy định của pháp luật, xả nước thải trực tiếp ra môi trường, khiến hệ thống sông, suối bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nhân dân.
Dong Riềng rớt giá một nửa, người dân bị tư thương ép giá. Cây Dong Riềng vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định. |
Chị Lường Thị Quyết, người dân ở bản Lán Yên, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên cho biết, gia đình chị có 1 ha trồng dong riềng, ước vụ này thu hoạch từ 9 - 10 tấn. Tuy nhiên, dong riềng đang rớt giá. Hiện, 1 kg củ dong riềng tươi có giá bán từ 1.300 -1.500 đồng/kg, bằng 1/2 so với cùng kỳ với các năm trước. Nguyên nhân là do đầu ra cho sản phẩm phụ thuộc quá nhiều vào tư thương, nên bị ép giá. “Dong riềng năm nay được mùa nhưng không được giá. Năm ngoái giá bán hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg nhưng năm giảm còn 1.500 đồng/kg, bà con đang mong các xưởng thu mua sẽ tăng giá nhưng hiện nhiều xưởng đều có giá mua giống nhau nên bà con không biết bán cho xưởng nào”, chị Quyết nói.
Thu mua giá rẻ, nên các cơ sở thu mua, chế biến dong riềng trên địa bàn huyện đã ồ ạt sản xuất, chế biến. Nhiều chủ cơ sở đã bất chấp các quy định của pháp luật, xả nước thải trực tiếp ra hệ thống sông, suối trên địa bàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống của nhân dân.
Đơn cử như người dân ở bản Nà Nọi 1, xã Nà Nhạn, dù nằm cách các xưởng sản xuất dong riềng hơn 10km, song vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi nước thải từ sản xuất dong riềng. Suối Nậm Rốm trước đây vốn trong xanh, nay nước đã chuyển màu đen kịt. Mùi hôi thối và váng bọt nổi, kết tủa khắp trên mặt nước.
Nhiều chủ cơ sở vẫn bất chấp các quy định của pháp luật, xả nước thải trực tiếp từ các hoạt động sơ, chế biến dong riềng ra hệ thống sông, suối trên địa bàn. |
Anh Lường Văn Ngoan, người dân bản Nà Nọi 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên bức xúc cho biết, trước đây con suối này trong sạch, nhiều cá. Nhưng từ khi có chế biến dong riềng, con suối này đã bị đổi màu, hôi thối, cá không còn nữa, người dân sống rất khổ vì ô nhiễm, đặc biệt là những ngày nắng lên và có gió.
Ông Quàng Văn Oan, người dân bản Nà Nọi 2, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên cho biết thêm, nước suối thường bị ô nhiễm nặng nhất vào khoảng tháng 11, bởi đây là mùa vụ thu hoạch, chế biến cây dong riềng. Tháng 11 cũng là thời điểm người dân tập trung sản xuất lúa vụ Đông Xuân. Nguồn nước ô nhiễm, đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất lúa, bởi người dân không chủ động được nước tưới. Nước sinh hoạt, sản xuất đều phải dẫn lấy từ các khe núi rất xa, khó khăn.
“Suối ô nhiễm mỗi khi gió tạt qua đưa mùi vào trong bản làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Không khí ô nhiễm khiến người dân không ở được”, ông Oan cho hay.
Theo thống kê, dọc tuyến Quốc lộ 279 thuộc địa phận 2 xã Nà Nhạn, Nà Tấu có 13 cơ sở thu mua, chế biến dong riềng. Tất cả đều được đặt ngay cạnh dòng suối Nậm Rốm. Thời gian qua, hoạt động sản xuất, chế biến, xả thải của các cơ sở này đã gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.
Tuy nhiên, việc đóng cửa các cơ sở sản xuất này vẫn chưa được các xã tính đến, bởi đóng cửa không cho sản xuất, đồng nghĩa với việc người dân không có việc làm, mất nguồn thu nhập, dong riềng sản xuất ra cũng sẽ không biết bán cho ai.
Nguồn nước ô nhiễm cũng mang theo nhiều nguồn bệnh nguy hiểm, đời sống người dân bị ảnh hưởng. |
“Hiện chính quyền xã chưa biết lựa chọn cây trồng gì cho phù hợp. Trước mắt, chính quyền sẽ thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở các chủ hộ sơ chế dong riềng ở các xưởng thực hiện tốt các điều đã cam kết, không được trực tiếp xả thải bã ra môi trường, đảm bảo nguồn nước, môi trường”, ông Sơn cho hay.
“Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” - đây là quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao đời sống người dân, ổn định phát triển kinh tế địa phương từ cây dong riềng mà không đánh đổi môi trường sống? Để giải quyết bài toán này rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của ngành chức năng và chính quyền các địa phương ở tỉnh Điện Biên./.