Dòng tiền của ngành hàng không đang cạn kiệt, nhiều rủi ro
VOV.VN - Dưới góc độ tài chính, dòng tiền ngành hàng không đang bị cạn kiệt, nếu không giải cứu sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ cho các nhà cung cấp, trả lương cho lao động...
Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, doanh thu của ngành hàng không từ cuối tháng 5 đến nay đã giảm tới 80-90%. Gói tín dụng ưu đãi trợ lực cho ngành hàng không đang được các cơ quan chức năng xúc tiến triển khai nhằm giúp thị trường hàng không phục hồi.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, số lượng chuyến bay và hành khách 6 tháng đầu năm giảm 60-70% so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid-19, khiến doanh thu của ngành hàng không giảm mạnh.
Hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng). Nhu cầu tín dụng để trang trải những khoản nợ của các hãng hàng không đang rất lớn. Trong đó, Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000-12.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền.
Vietjet đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng hơn 10.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với Vietnam Airlines và khoản tín dụng ưu đãi lãi suất thời gian từ 3 - 4 năm.
Các hãng hàng không khác như Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines cũng mong muốn được vay ưu đãi để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tổng nhu cầu tín dụng ưu đãi theo đề xuất của các doanh nghiệp hàng không là hơn 30.000 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng Tổng công ty hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất cơ chế hỗ trợ dưới hình thức tái cấp vốn hay vay vốn thì đảm bảo phù hợp với thực tế các hãng hàng không hiện nay không có tài sản đảm bảo. “Mức độ thua lỗ là rất lớn, các hãng hàng không xây dựng kịch bản phục hồi, tuy nhiên tính chắc chắn là không cao”, ông Hiền nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đến hết năm nay sức cầu của nền kinh tế nói chung, sức cầu của hàng không nói riêng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Dưới góc độ tài chính, dòng tiền ngành hàng không đang bị cạn kiệt, nếu không giải cứu sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ cho các nhà cung cấp, trả lương cho lao động...
“Cần hỗ trợ cho ngành hàng không cho dù là hãng bay nhà nước hay hãng bay tư nhân. Việc giải cứu 1 nhóm doanh nghiệp không chỉ mỗi doanh nghiệp đó mà là một ngành công nghiệp, hàng không là cầu nối kinh tế Việt Nam với thế giới, duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, cho nên giải cứu ngành hàng không là giải cứu rất nhiều ngành nghề khác, duy trì đã tăng trưởng cho nền kinh tế”, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế TP.HCM nêu quan điểm.
Tại buổi làm việc với hiệp hội và các doanh nghiệp hàng không, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN đánh giá, các hãng hàng không đang rất khó khăn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về việc triển khai Nghị quyết số 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có ngành hàng không.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phù hợp với chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và quy định hiện hành, coi nhiệm vụ hỗ trợ các hãng hàng không là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo. Đồng thời, các tổ chức tín dụng tích cực làm việc, phối hợp với các doanh nghiệp hàng không để tư vấn, hỗ trợ, thực hiện các giải pháp tín dụng trong thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, dư nợ tín dụng ngành hàng không hiện tại là 24.000 tỷ đồng với khoảng 3/4 là lãi suất ưu đãi ở mức 5%/năm. Việc ngành hàng không đề xuất cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng nữa, tổng dư nợ sẽ ở mức hơn 50.000 tỷ đồng, con số này không lớn so với quy mô tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định NHNN sẽ hỗ trợ tối đa cho toàn ngành để hàng không có thể phục hồi,
“Chúng tôi cũng đã làm việc với các hãng hàng không khác và Vietnam Airline để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không. Những gì thuộc thẩm quyền của NHNN sẽ làm đến mức tối đa để phục hồi các hàng hàng không, nhất là đối với các hãng hàng không còn non trẻ. Trong việc xem xét hạn mức tín dụng, lãi suất hỗ trợ, cơ cấu các khoản nợ đến hạn sẽ hỗ trợ tối đa cho hàng không”, ông Tú cho biết.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang đề xuất 2 gói ưu đãi, trước hết là áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay với lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác, với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm. Đồng thời cho phép các hãng hàng không thuộc hiệp hội được vay gói hỗ trợ ưu đãi 30.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất 4%, thời hạn từ 3 - 4 năm./.