Dự án bauxite kém hiệu quả do giá thấp
(VOV) - Trong tương lai, khi nền kinh tế hồi phục nhu cầu và giá alumin lên cao sẽ tăng tính hiệu quả của dự án.
Cho biết về tính hiệu quả kinh tế của các nhà máy sản xuất bauxite – alumin khu vực Tây Nguyên, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2 tháng do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/3, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nói rằng, giá bán alumin tại thời điểm tháng 12/2012 chỉ khoảng 326,5 USD /tấn, đã giảm khoảng gần 42 USD/tấn so với giá tại thời điểm năm 2009.
“Giá alumin xuống thấp trong khi với cơ chế hiện hành, nhà máy alumin Tân Rai đã phải tăng tổng mức đầu tư khoảng 30% do tăng tỷ giá, thuế tài nguyên, môi trường, nguyên vật liệu tăng và tiền lương… những điều này khiến dự án có tính rủi ro” - ông Quân cho hay.
Tuy nhiên, ông Quân cũng chỉ rõ, cần xem xét giá bán alumin trong một khoảng thời gian dài. Trên thực tế, giá bán alumin có nhiều biến động, ở thời điểm năm 2008, giá alumin đã từng lên tới 600 USD/tấn nhưng đến tháng 12/2012 tụt xuống còn hơn 300 USD/tấn. Khi xu thế kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng trở lại thì giá alumin sẽ tăng. Các chuyên gia tính toán, năm 2020 giá alumin sẽ tăng theo với giá nhôm.
“Khi kinh tế phục hồi giá bán alumin sẽ dao động quanh mức 300-600 USD/tấn và bình quân khoảng hơn 400 USD/tấn. Tương lai dự án sẽ có hiệu quả kinh tế” - ông Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ.
Trả lời về việc xem xét hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án bauxite Nhân Cơ, ông Quân cho biết, đã có một công ty TNHH được Chính phủ chấp nhận cho đầu tư nhà máy điện phân nhôm ngay tại dự án. Điều này sẽ tận dụng đầu ra, giảm chi phí. Bộ Công Thương cũng đang đề nghị doanh nghiệp lập báo cáo và qua đó càng có cơ sở tin cậy dự án có hiệu quả kinh tế.
Ông Quân cũng cho rằng, theo quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, do các dự án này không sử dụng nguồn ngân sách, chính phủ thông qua chủ đầu tư, việc quyết định đầu tư là do chủ đầu tư lập dự án, tự thẩm định, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương lập hội đồng thẩm định kiểm tra lại dự án Nhân Cơ. Bộ đã thành lập hội đồng thẩm định 40 người, mời cơ quan đầu ngành phản biện và kết quả thậm định đã được trình lên Chính phủ vào tháng 10/2009.
“Tại thời điểm thẩm định thì dự án có hiệu quả, nhưng hiện dự án Nhân Cơ cũng như Tân Rai có rủi ro lớn. Vinacomin sẽ phải hoàn chỉnh tính toán nốt hiệu quả kinh tế xã hội. Chính phủ sẽ có cuộc họp chuyên về hiệu quả kinh tế của Tân Rai và Nhân Cơ để có quyết định và điều chỉnh thích hợp” - ông Quân cho biết.
Trước đó, trong một báo cáo gửi các cơ quan truyền thông, ông Trần Văn Chiều - Phó TGĐ Vinacomin cũng khẳng định, việc quyết định đầu tư dự án Nhân Cơ cũng như dự án Tân Rai là căn cứ vào tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế của dự án tại thời điểm xem xét và có tính đến mức độ rủi ro của dự án.
“Việc Vinacomin quyết định đầu tư dự án Nhân Cơ đã tuân thủ đầy đủ quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; tại thời điểm phê duyệt dự án điều chỉnh (tháng 2/2010), dự án đạt hiệu quả kinh tế. Đến nay, nhà máy alumin Nhân Cơ đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục, toàn bộ thiết bị chủ yếu đã tập kết đến chân công trình, nhà thầu đang tiến hành lắp đặt thiết bị, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%” - ông Chiều cho biết./.