Dự án Bến xe miền Đông mới – tương lai mờ mịt
Cho tới thời điểm này, dự án Bến xe miền Đông mới với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng trên diện tích 16ha vẫn chưa biết khi nào được khởi công xây dựng.
Điều chỉnh dự án tăng hơn 3 lần
Đứng trước tình trạng ùn ứ, quá tải và gây kẹt của bến xe miền Đông cũ tại khu vực cầu Bình Triệu thuộc quận Bình Thạnh, quý II/2011, UBND TP HCM đã trình Bộ Xây dựng một bản quy hoạch chi tiết 1/500 xin ý kiến xây dựng hai bến xe mới (Bến xe miền Đông và miền Tây) và đã được Bộ chấp thuận.
Theo quy hoạch, bến xe miền Đông mới sẽ được xây dựng trên diện tích 16ha thuộc 2 phường là phường Long Bình (quận 9, TP HCM) và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Nơi đây sẽ là khu phức hợp hiện đại bậc nhất và là đầu mối giao thông quan trọng.
Theo quy hoạch, bến xe miền Đông mới là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối với các tỉnh phía Bắc và khu vực miền Đông Nam bộ, qua đó còn được kết nối với các tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, các tuyến xe bus đi khu vực lân cận. Khi đó, hành khách từ các tỉnh về TP HCM có thể lựa chọn các loại phương tiện công cộng để di chuyển vào khu vực trung tâm thành phố như: Metro, Bus. Công trình được giao cho TCty TNHH một thành viên Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) làm chủ đầu tư với số vốn 1.500 tỷ đồng.
Theo thiết kế, dự án bến xe miền Đông mới sẽ kết nối với tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên |
Ngay sau đó, Samco đã chia dự án Bến xe miền Đông làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục chính, gồm có nhà ga chính cao tầng, các phòng điều hành, phòng bán vé… Nhà ga này được xây dựng hiện đại với hệ thống nhà chờ và hệ thống thông tin về giờ xe khởi hành phục vụ hành khách theo chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp vận tải được bố trí trong nhà ga để điều hành hoạt động của nhà xe. Trong khu vực bến xe mới còn bố trí các cây xăng, siêu thị, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa và trung tâm đăng kiểm xe ôtô, phục vụ không chỉ hành khách đi xe mà cả cư dân ở khu vực. Giai đoạn 2 cần 500 tỉ đồng để hoàn thiện các hạng mục còn lại.
Sau 4 năm triển khai trên giấy, năm 2015, chủ đầu tư đã gửi văn bản trình UBND TP xin được thay đổi tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ lên 4.000 tỷ theo phương án tự huy động vốn. Tháng 8/2015, TP đã chấp thuận đề nghị này, cho phép Samco được dùng vốn chủ sở hữu và huy động vốn đầu tư, không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Vẫn chưa biết khi nào xong
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Xây dựng, đến nay dự án bến xe miền Đông vẫn “án binh bất động”. Theo ông Nguyễn Xuân Điền, Phó Giám đốc Marketing Samco, hiện dự án vẫn chưa thể khởi động là do phần đền bù giải phóng mặt bằng của dự án Metro vẫn chưa xong, chính vì lẽ đó dự án Bến xe miền Đông cũng bị phụ thuộc. Ông Điền cho biết, dự kiến tháng 5/2016 Samco sẽ làm lễ công bố dự án cũng như xây tường bao và làm đường phục vụ dự án.
Bến xe miền Đông mới nằm trên diện tích 16 ha và là khu phức hợp |
Cho đến thời điểm này chưa có bất cứ nhà đầu tư nào liên kết với Samco để thực hiện dự án. Tuy nhiên ông Điền khẳng định, đến nay tuy chưa chọn được nhà đầu tư nào nhưng đã có 01 nhà đầu tư lọt vào “mắt xanh” của Samco vì theo ông Điền, “nhà đầu này có kinh nghiệm và khả năng điều hành hệ thống bến xe mới”. Tuy nhiên khi được hỏi khi nào thì có thể khởi công dự án và thời điểm đưa dự án vào hoạt động, ông Điền chia sẻ: “Đây là câu hỏi rất khó trả lời vì dự án Bến xe miền Đông còn phụ thuộc vào dự án Metro số 1. Hai dự án này phải thực hiện song song để đồng bộ với nhau chứ không thể để dự án Bến xe miền Đông xong trước để làm gì”.
Ngoài việc chưa thể triển khai dự án trong thời gian sớm nhất có thể, ông Điền còn cho biết, đến xây dựng tường rào, đường trong cho dự án và các hạng mục phụ trợ thì cũng phải xin phép Sở xây dựng, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan khác. Chính vì lẽ đó, chưa biết bao giờ sẽ có thời gian để khởi công xây dựng bến xe miền Đông./. 4.000 tỷ đồng xây mới Bến xe Miền Đông