“Dự án chậm là dự án công”
Có đến 99% dự án đầu tư xây dựng chậm tiến độ ở tất cả các giai đoạn. Tình trạng “chậm tiến độ” diễn ra phổ biến nhưng không phải ai cũng biết hết tác hại của nó.
Phóng viên VOV phỏng vấn TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam về vấn đề này.
** Thưa ông, con số 99% dự án đầu tư xây dựng chậm tiến độ nói lên điều gì?
- Các dự án chậm là các dự án công. Tình trạng này diễn ra phổ biến. Chậm thì tất nhiên không tốt rồi, nhưng tác hại của nó thế nào không phải ai cũng có thể nhận ra. Ví dụ, một dự án đầu tư nước ngoài, nếu chậm chính nhà đầu tư chịu thiệt hại nhưng với nền kinh tế Việt Nam thì chưa tác động gì ghê gớm lắm. Nhưng nếu các dự án về hạ tầng chậm không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà ảnh hưởng đến kinh tế của cả một vùng, một khu vực, thậm chí cả nước nếu là một dự án lớn. Việc chậm trễ còn gây ra thất thoát và lãng phí, nhưng không quan trọng bằng hiện tượng tham nhũng.
** Tình trạng chậm tiến độ có thể nói là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế, nhưng tại sao hàng chục năm qua vẫn không có chuyển biến gì?
TS. Phạm Sỹ Liêm
- Thấy thì ai cũng thấy, nhưng gánh trách nhiệm thì đơn vị này đổ cho đơn vị kia. Chẳng hạn, bên chủ đầu tư đổ cho giải phóng mặt bằng chậm; ông giải phóng mặt bằng chậm lại bảo do chính sách đất đai, vốn liếng, giá cả; Bên thi công bảo cứ chuẩn bị mặt bằng, tôi làm rất nhanh. Nhiều ông không đủ năng lực để làm và việc người ta đổ lỗi cho nhau không phải không có lý do. Đáng nói là, hiện tượng đầu tư dàn trải, tiền có ngần ấy mà giăng ra một lúc cho rất nhiều dự án. Cuối cùng, mỗi dự án có một ít không đủ. Chúng ta phải làm rõ trách nhiệm trong từng công đoạn thuộc về ai, nếu ai chậm phải chịu trách nhiệm và chịu một chế tài xử lý nhất định.
** Vậy theo ông có cách nào gỡ được tình trạng chậm tiến độ này?
- Đại hội Đảng lần thứ 11 đã đưa việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn là 1 trong 3 mũi đột phá của nền kinh tế trong giai đoạn tới. Tôi tin T.Ư và Chính phủ sẽ xử lý vấn đề đầu tư dàn trải, không tập trung. Tôi cũng biết bên ngành kế hoạch đang suy nghĩ về hướng này. Nhưng làm rất khó, cắt ai, để ai? Phải có quyết tâm “trảm” dự án mới được. Có vậy, chúng ta mới thúc đẩy những dự án cần tập trung vốn và làm nhanh được.
** Xin cảm ơn ông!./.