Dự án lấp sông Đồng Nai: Chủ đầu tư đánh giá thiếu cơ sở
VOV.VN - Một số vấn đề của Dự án chưa làm rõ, một số nội dung chưa đạt yêu cầu như về thoát lũ, lưu thông dòng chảy…
Chiều 25/5, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông tin liên quan đến Dự án lấp sông Đồng Nai vẫn là một trong những nội dung quan trọng và thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí.
Việc san lấp sông Đồng Nai là để thực hiện “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị sông Đồng Nai”. Đây là một trong bốn dự án trọng điểm cải tạo cảnh quan môi trường và chỉnh trang đô thị ven sông cho thành phố Biên Hòa được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt.
Họp báo Bộ Tài nguyên Môi trường tháng 5 |
Dự án do Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát khởi công hồi tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng, với diện tích tổng thể khoảng 8,4 héc ta, trong đó có 7,7 héc ta lấn từ mép sông ra phía ngoài. Hiện nay, khối lượng san lấp khoảng 60 đến 70% khối lượng đất đá cần phải lấp.
Theo ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mặc dù Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai mời các chuyên gia chuyên ngành nghiên cứu, đánh giá tác động, thẩm tra báo cáo. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, tỉnh và chủ đầu tư không hề tham vấn, xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, quá trình tham vấn của các nhà khoa học còn hạn chế.
Một số vấn đề của Dự án chưa làm rõ, chưa được nghiên cứu báo cáo đầy đủ, một số nội dung chưa đạt yêu cầu như về thoát lũ, lưu thông dòng chảy… Vì vậy những đánh giá của chủ đầu tư rằng “dự án không ảnh hưởng tới dòng chảy của dòng sông”, “không tác động xấu tới sự thay đổi dòng chảy của dòng sông”, là thiếu cơ sở, ông Hoàng Văn Bảy cho biết thêm.
"Cần đảm bảo có đầy đủ căn cứ khoa học của việc lấn sông sẽ tác động đến khả năng thoát lũ, sự lưu thông dòng chảy, sự ổn định của bờ sông trên toàn tuyến sông Đồng Nai như thế nào", ông Hoàng Văn Bảy nhấn mạnh, "Đặc biệt là trong các tình huống lũ lớn kết hợp với triều cường và việc xả lũ của các hồ chứa trên thượng nguồn, phải đảm bảo tính khách quan cần thiết phải có từ người tư vấn độc lập, có năng lực, uy tín để tiếp tục nghiên cứu tính toán lại định lượng cụ thể các tác động trên toàn tuyến. Tiếp đó, khâu thẩm tra, thẩm định, lấy ý kiến của các nhà khoa học, lấy ý kiến của các địa phương, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan cần đảm bảo tính trung thực, khách quan. Cục Quản lý Tài nguyên nước sẽ sớm có báo cáo chính thức gửi lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm có báo cáo Thủ tướng”.
** Cũng tại buổi họp báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin về Ngày Môi trường thế giới năm 2015. Theo đó, ngày 5/6 tới, tại tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra Lễ mít tinh Ngày Môi trường Thế giới 2015 và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay. Từ ngày 1 đến 8/6, tại tỉnh Quảng Ngãi diễn ra các hoạt động kỷ niệm Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2015./.