Dự báo có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024
VOV.VN - Theo đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA), dự kiến sẽ có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024, tăng 3% so năm 2019 (là năm trước đại dịch Covid-19).
Trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 lần đầu được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, sáng nay (7/6), diễn ra hàng loạt phiên thảo luận, hội thảo, tọa đàm về sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không.
Thông tin tại các hội thảo khẳng định, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến ngành hàng không trong 2 năm qua không hề nhỏ. Năm 2019, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt hơn 110 triệu lượt hành khách. Nhưng năm 2020 chỉ còn hơn 65 triệu lượt khách và đến năm 2021 chỉ đạt hơn 30 triệu lượt.
Theo đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA), dự kiến sẽ có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024, tăng 3% so năm 2019 (là năm trước đại dịch Covid-19). Đối với hoạt động vận tải hàng không quốc tế, mức độ hồi phục sẽ chậm hơn so với nội địa, chủ yếu phụ thuộc vào việc nới lỏng dần hoặc xóa bỏ các hạn chế đi lại ở nhiều thị trường.
Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Việc phục hồi ngành hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch vì hàng không và du lịch có mối quan hệ rất mật thiết. Hàng không phát triển sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển và ngược lại.
“Chúng tôi hy vọng rằng, đến năm 2024 với sự tháo dỡ tất cả các hạn chế về kiểm soát dịch của ác thị trường du lịch truyền thống của thị trường Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... thị trường hàng không quốc tế của Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn như năm 2019" - ông Sơn kỳ vọng.
Đối với thị trường Đà Nẵng, tới thời điểm này, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa đã đạt gần tương đương thời điểm trước dịch Covid-19 khi hàng ngày có trung bình hơn 100 chuyến bay 1 chiều từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột đi/đến Đà Nẵng.
Đối với thị trường quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế kết nối Đà Nẵng với Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul và Daegu (Hàn Quốc) và đầu tháng 7/2022 sẽ có đường bay nối Tokyo (Nhật Bản). Ngoài ra, sẽ thêm các hãng mới và tăng tần suất trên các đường bay hiện có. Cục Hàng không Việt Nam vẫn đang tiếp nhận các đề xuất khai thác trở lại các đường bay quốc tế đi/đến Đà Nẵng từ các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung Tâm xúc tiến Du lịch, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, để phục hồi du lịch hàng không, thời gian sắp tới, cùng với việc tập trung vào thị trường truyền thống, thành phố sẽ mở rộng thêm thị trường mới như Ấn Độ với loại hình du lịch đám cưới.
Cũng theo bà Hoài An: “Ấn Độ là một thị trường rất lớn mà chúng tôi đang muốn thu hút lại thị trường này. Sau khi dịch được kiểm soát, chúng tôi đã tổ chức những hoạt động kết nối, quảng bá điểm đến rất nhiều. Đều này đã làm cho chúng tôi có cơ hội để đăng cai tổ chức những sự kiện quan trọng ví dụ như sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay Châu Á 2022. Việt Nam hiện nay cũng là một trong những quốc gia không còn rào cản, nên rất thuận lợi cho du khách khi tới Việt Nam hay Đà Nẵng”.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng, dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc nên việc đảm bảo an toàn cho hành khách luôn là ưu tiên số 1. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ duy trì và liên tục cải tiến quy trình ứng phó với dịch bệnh và các vấn đề liên quan đến sức khỏe hành khách. Hiện nay, sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong 3 sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam. Giai đoạn 2021-2030, ACV sẽ xây mới nhà ga hành khách và hàng hóa, đồng thời mở rộng nhà ga hành khách T1 tại đây./.