Dư địa giảm vẫn còn, VN-Index có thể kiểm định lại mức hỗ trợ 1.225 điểm
VOV.VN - Trong phiên giao dịch hôm nay 13/5, chỉ số VN-Index có thể có quán tính giảm điểm để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.220 – 1.230 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210 điểm.
Dư địa giảm vẫn còn
Thị trường chứng khoán ngày 12/5 tiếp tục có thêm một phiên giảm điểm rất mạnh nữa với thanh khoản vẫn ở mức thấp. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 12/5, VN-Index giảm 62,69 điểm (-4,82%) xuống 1.238,84 điểm. Độ rộng là tiêu cực với chỉ 39 mã tăng (2 mã tăng trần), 25 mã tham chiếu, 424 mã giảm (163 mã giảm sàn). HNX-Index giảm 17,52 điểm (-5,26%) xuống 315,52 điểm. Độ rộng là tiêu cực với chỉ 31 mã tăng (3 mã tăng trần), 27 mã tham chiếu, 200 mã giảm (44 mã giảm sàn). Thanh khoản khớp lệnh gia tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất một chút với giá trị giao dịch đạt 15.979 tỷ đồng trên hai sàn tương ứng với khối lượng giao dịch là 603 triệu cổ phiếu.
Thị trường giao dịch với sắc đỏ trong toàn bộ thời gian phiên 12/5 do áp lực bán xuất hiện từ đầu phiên và được duy trì cho đến hết phiên khiến chỉ số VN-Index kết phiên ở gần mức thấp nhất. Hàng loạt các nhóm ngành cổ phiếu đều giảm rất mạnh. Nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng giảm sàn hàng loạt với VPB (-6,9%), STB (-6,8%), TCB (-6,9%), LPB (-6,7%), VIB (-7%)… Cổ phiếu chứng khoán cùng chung số phận với thị trường: SSI (-6,9%), VND (-6,9%), VCI (-6,9%), HCM (-6,8%), VIX (-6,8%)… Cổ phiếu bán lẻ sau giai đoạn tăng mạnh trước đã quay sang giảm mạnh trong phiên hôm nay với MWG (-4,7%), FRT (-7%), PNJ (-5,5%), DGW (-7%)... Cổ phiếu thủy sản cũng tương tự: VHC (-6,9%), MSN (-7%), ANV (-7%), IDI (-6,8%)... Cổ phiếu bất động sản cũng giảm rất mạnh như: DIG (-6,9%), CEO (-9,9%), DXG (-6,9%), VRE (-6,9%), HDC (-6,9%), ASM (-6,8%), FLC (-7%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, thị trường đã có 3 phiên giảm rất mạnh lần lượt là 25/4 (-5%), 9/5 (-4,5%) và phiên 12/5 (-4,8%). Điều này đã gây ra cú shock về mặt tâm lý đối với nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường trong thời gian gần đây vẫn chưa quen với những nhịp giảm trên 10% của thị trường.
Tính từ đầu năm, VN-Index hiện đang giảm 17,3% và VN30 hiện giảm 16,7%. Điều này đã đưa định giá P/E của 2 chỉ số trên lần lượt về mức 14 lần và 13 lần. Đây đều là mức định giá thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất. Đây có thể coi là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn để mua vào những cổ phiếu cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai ở mức giá hấp dẫn. Tuy nhiên, trên góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong sóng điều chỉnh a với target theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.200 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng tăng 5) nên dư địa giảm là vẫn còn.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 13/5, VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu như lực cầu bắt đáy trong vùng hỗ trợ 1.225-1.250 điểm (đáy tháng 7/2021) là đủ tốt. Nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu có cơ bản tốt trong danh mục”, chuyên gia của SHS nhận định.
VN-Index có thể có quán tính giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.220 – 1.230 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), về kỹ thuật, đồ thị ngày 12/5 VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài dạng ‘Marubozu’ với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn (MA3 ngày, MA5 ngày và MA10 ngày), kèm thanh khoản tăng khá, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn khá tiêu cực.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 13/5, chỉ số VN-Index có thể có quán tính giảm điểm để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.220 – 1.230 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mức hỗ trợ 1.225 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn gia tăng trở lại và dòng tiền ngắn hạn tiếp tục suy yếu, đặc biệt nhiều cổ phiếu đã rơi sâu vào vùng quá bán cho thấy lực cầu bắt đáy có thể gia tăng và thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn, nhưng mức độ hồi phục có thể vẫn còn yếu do tâm lý bi quan và lực cầu yếu.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, đặc biệt các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên tham gia bắt đáy giai đoạn này cho đến xu hướng ngắn hạn được chúng tôi đánh giá tích cực trở lại”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị./.