Dự kiến năm 2015 huy động 63.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông
VOV.VN - Theo kế hoạch dự kiến, Quý IV/2014, ngành GTVT sẽ khởi công 7 dự án, năm 2015 dự kiến kêu gọi đầu tư 15 dự án.
Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT với các Ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về việc thu xếp vốn cho các dự án giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của ngành giao thông vận tải diễn ra sáng 19/9, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP cho biết, hiện nay Bộ GTVT đang quản lý 63 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư khoảng 151.984 tỷ đồng.
Theo kế hoạch dự kiến, Quý IV/2014, ngành GTVT sẽ khởi công 7 dự án, năm 2015 dự kiến kêu gọi đầu tư 15 dự án. Riêng đối với 43 dự án đang triển khai (trừ Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, Quốc lộ 20 đoạn Đồng Nai - Lâm Đồng vay tín dụng từ các tổ chức quốc tế), vốn đã huy động từ các ngân hàng đến nay khoảng 66.500 tỷ đồng, sẽ huy động từ Ngân hàng đến hết 2014 khoảng 7.800 tỷ đồng; năm 2015 dự kiến sẽ huy động tiếp từ các ngân hàng khoảng 63.000 tỷ đồng.
Đồng thời, ông Huy kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế để các Quỹ tài chính tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông với vai trò là bên cung cấp tín dụng và có cơ chế bảo lãnh cho các quỹ tài chính.
Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục giải ngân kịp thời cho nhà đầu tư các dự án, đảm bảo tiến độ đầu tư; đồng thời sẽ xem xét, nghiên cứu thời hạn khoản vay trong hợp đồng tín dụng, phương án tài chính…
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương tăng vốn chủ sở hữu, tăng năng lực quản trị doanh nghiệp; đối với các doanh nghiệp của Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, sẽ không còn của nhà nước, các doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sản xuất kinh doanh.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án BOT; cùng với đó, khẩn trương công khai, minh bạch tất cả các dự án, các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, đảm bảo việc tổ chức triển khai thi công các dự án phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và sẽ không có dự án chậm tiến độ, chỉ có dự án vượt tiến độ./.