Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bất cập về định giá đất cần được tháo gỡ

VOV.VN - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được nhiều cán bộ, các tầng lớp nhân dân tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, góp ý. Nhiều ý kiến cho rằng, một số vấn đề nút thắt đã được tháo gỡ, đặc biệt là giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, giá đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Đất đai năm 2013 đều dành riêng một điều để nói về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, dự thảo lần này có thêm các điểm mới là quy định rõ đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh sẽ được giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất. Đồng thời, cho thuê đất có thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất nhưng thiếu đất sản xuất.

Ngoài ra, Dự thảo còn quy định, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm ban hành Chính sách khung về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.

Hiện nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi tỉnh Khánh Hòa đang thiếu đất sản xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp lâm nghiệp đang quản lý một diện tích rất lớn đất rừng sản xuất. Giữa người dân địa phương và doanh nghiệp đã xảy ra các tranh chấp đất sản xuất. Một diện tích rất lớn được Nhà nước giao cho các doanh nghiệp nhưng thực tế thì người dân vẫn đang sản xuất ổn định. Mấy năm nay, tỉnh Khánh Hòa thực hiện bóc tách, giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng vẫn chưa giải quyết thấu đáo tình trạng thiếu đất sản xuất.

Ông Phan Đình Tuyến, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, chính sách mới tại điều 17, điều 40 trong Dự thảo Luật Đất đai là cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước giao đất sản xuất không thu tiền cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 “Có những hộ đã trồng cây ăn quả trên đó nữa, giờ làm thủ tục để cấp sổ đỏ cũng không cấp được vì nó dính vào đất của lâm trường. Kiến nghị Luật Đất đai sửa đổi làm sao đó, để công nhận quyền sử dụng đất cho những người đã làm ổn định trên mảnh đất đó để bà con sản xuất ổn định, giảm nghèo bền vững, có đất rồi thì người ta không lấn chiếm đất rừng.”

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhiều dự án đầu tư dẫn đến việc thu hồi đất của nhiều tổ chức, cá nhân. Nhiều người dân chưa đồng thuận, phát sinh khiếu nại khi Nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án. Nguyên nhân chủ yếu là đơn giá đất Nhà nước áp dụng khi thu hồi thấp hơn nhiều lần so với giá giao dịch. Người dân khiếu kiện kéo dài, không giải phóng được mặt bằng làm cho nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Giá đất của Nhà nước thấp hơn giá thị trường cũng có nguy cơ dẫn đến thất thoát tài sản khi Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp thực hiện các dự án, dẫn đến vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức.

Luật sư Huỳnh Thành, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ tư pháp cho người nghèo tỉnh Khánh Hòa đề nghị những bất cập về việc xác định giá đất cần được sửa đổi để tiệm cận với giá thị trường: “Giá đất hiện nay, theo Luật hiện hành giao cho UBND tỉnh để thực hiện định giá đất, đã thực hiện việc định giá đất những năm gần đây cũng rất tốt. Thế nhưng, thực tế giá đất Nhà nước định ra với thị trường đang có sự chênh lệch quá cao, cho nên việc thực hiện luật rất khó, cho nên luật cần phải sửa đổi.” Luật sư Huỳnh Thanh cho biết thêm.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường. Việc xác định giá đất phải bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Theo ông Phạm Văn Chi, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Dự thảo đã bỏ khung giá đất, đồng thời, quy định chi tiết, cụ thể việc xác định giá đất. Giá đất chính là nút thắt để tháo gỡ các vấn đề bất cập, tồn tại liên quan việc khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất của người dân. Ông Phạm Văn Chi cho rằng, cần phải nâng cao trách nhiệm công vụ, trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong việc xác định giá đất.  

“Sinh ra khiếu kiện nhưng nếu anh thỏa thuận với người dân theo ý chí của người dân, gặp được ý chí của mình thì dự án mới thực hiện được. Giá đất phải hình thành không theo ý chí của Nhà nước mà phải hình thành từ giá thực tiễn của vùng đất đó và của người dân ở đó thỏa thuận với nhau. Cái đó, sẽ dập tắt khiếu kiện”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

VOV.VN - Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu 10 điểm đổi mới so với quy định hiện hành để nhân dân tập trung góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

VOV.VN - Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu 10 điểm đổi mới so với quy định hiện hành để nhân dân tập trung góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Nóng vấn đề thu hồi đất
Góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Nóng vấn đề thu hồi đất

VOV.VN - Tại hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hôm nay (15/2) tại TP.HCM, nhiều chuyên gia kiến nghị cần phải làm rõ vấn đề thu hồi đất, thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai.

Góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Nóng vấn đề thu hồi đất

Góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Nóng vấn đề thu hồi đất

VOV.VN - Tại hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hôm nay (15/2) tại TP.HCM, nhiều chuyên gia kiến nghị cần phải làm rõ vấn đề thu hồi đất, thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai.